Hai ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày đã đem về giá trị xuất khẩu 10,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2016.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc tháng 4 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc đạt 6,82 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), các đơn hàng vẫn tập trung vào một số thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, dù kim ngạch xuất khẩu của ngành có tăng, nhưng giá đơn hàng lại không tăng.
Lý giải về vấn đề này, Vitas cho rằng là do giá xăng dầu giảm - một trong những yếu tố tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng giá dầu giảm xuống, khiến giá cả một số thị trường cũng giảm nhất định. Như vậy, cùng lượng hàng xuất đi, nhưng giá trị thu về không tăng.
Giá dầu cũng ảnh hưởng đến đầu vào như giá sợi, giá bông hiện đang tương đối thấp, mà giá thành khách hàng đặt cũng không cao so với mọi năm, thập chí giảm hơn chút ít.
Theo Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II, thậm chí một số doanh nghiệp, lịch sản xuất đã lên kín đến cuối năm. Đây là tín hiệu lạc quan để ngành dệt may đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2016.
Trong khi đó, ngành da giày cũng duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu ở mức tăng ấn tượng.
Sản lượng giầy dép da tháng 4 ước đạt 21,5 triệu đôi, tăng 4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại tháng 4 ước đạt 900 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng giày dép các loại ước đạt 77,9 triệu đôi, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại ước đạt 3,68 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu ổn định đến tháng 5, tháng 6 và đang chuẩn bị cho mùa sản xuất mới./.
Theo chinhphu.vn