Ngày 25-12-2015, Bộ LĐ-TB và XH đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm công tác lao động, người có công và xã hội (2011-2015). Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đạt được những kết quả quan trọng. Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới, 5 năm qua, công tác giải quyết việc làm trong nước được chú trọng. Cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống dưới 4%, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% (năm 2010) xuống còn 40-41% (năm 2015), đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra. Đối với việc làm ngoài nước, hiện có trên 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, gửi về nước hằng năm từ 1,6-2 tỷ USD. Lĩnh vực chính sách tiền lương triển khai thực hiện tốt, cải thiện quan hệ lao động, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và tăng cường ATVSLĐ. Mức lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng gần 2,2 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân/tháng của người lao động năm 2015 tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2011. Đời sống của người lao động ngày càng được nâng cao. Công tác dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, góp phần phát triển nguồn nhân lực đất nước. Cả nước dạy nghề cho gần 9,2 triệu người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho 2,375 triệu lao động nông thôn, tỷ lệ học viên có việc làm sau khóa học đạt khoảng 70%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,6%, tăng 11,6% so với cuối năm 2010.
Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được triển khai thực hiện tốt, đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công và gia đình người có công với cách mạng. Cả nước hiện có 8,8 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công được hưởng các chế độ trợ cấp thường xuyên. Trong 5 năm, cả nước đã huy động trên 1.250 tỷ đồng xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây mới khoảng 46 nghìn Nhà Tình nghĩa, sửa chữa trên 43 nghìn nhà với trên 10,6 nghìn tỷ đồng; gần 11 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng...
Trong công tác giảm nghèo, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015); riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp. Trong 5 năm, cả nước đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,643 triệu đối tượng, tăng gần 1,8 lần so với cuối năm 2010.
Công tác quản lý Nhà nước về trẻ em từng bước hoàn thiện. Tính đến hết năm 2015, cả nước có 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 6,5%; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT.
Giai đoạn 2016-2020, ngành LĐ-TB và XH tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%/năm; giải quyết việc làm cho 7,5-8 triệu người; tỷ lệ lao động tham gia BHXH đạt 50% vào năm 2020. Đến năm 2020 đảm bảo 99% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành LĐ-TB và XH đẩy mạnh các giải pháp tăng năng suất lao động, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Cần rà soát lại toàn bộ các cơ sở dạy nghề, các cơ sở giới thiệu việc làm, thực hiện chuyển đổi theo hướng tự chủ, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động. Đổi mới thực chất đề án dạy nghề cho lao động nông thôn sao cho thiết thực, chỉ mở lớp khi người học có nhu cầu thực sự học nghề để giảm nghèo, phải đi vào thực chất, không chạy theo phong trào./.
Minh Tân