Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Pa-ri dự COP 21

08:12, 01/12/2015

Tối 29-11 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Pa-ri, Cộng hòa Pháp để tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21).

Theo đặc phái viên TTXVN, đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay quốc tế Sác-lơ đờ Gôn, Pa-ri có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn; các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đại diện Ban tổ chức Hội nghị COP 21.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Giăng Pi-e Ác-săm-bôn, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Giăng Pi-e Ác-săm-bôn, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt.

Hội nghị COP 21 là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015. Dự kiến sẽ có khoảng 40 nghìn đại biểu từ khắp các nơi trên thế giới tới tham dự. Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Pa-ri 2015), theo đó các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị COP 21 nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Cộng hòa Pháp lần này, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng sẽ có các buổi làm việc với một số bộ, ngành, địa phương của Pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp; đặc biệt nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9-2013, hai bên đã ký Tuyên bố chung, nâng quan hệ hai nước lên tầm Đối tác chiến lược, đây là cơ sở đưa quan hệ hợp tác giữa 2 nước ngày càng phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp. Hiện Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan và I-ta-li-a). Trao đổi thương mại hai chiều giữa 2 bên năm 2014 đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2013.

Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988, tính đến tháng 6-2015, Pháp đứng thứ 2 trong số các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với gần 430 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,38 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, y tế, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, hợp tác địa phương (hợp tác phi tập trung),… giữa Việt Nam và Pháp thời gian qua cũng có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ngay khi đến Thủ đô Pa-ri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thành phố Mông-tơ-rơi.

Trước đó hôm 25-11, thông tin từ Ban tổ chức Hội nghị COP 21 cho hay Hội nghị này sẽ được khai mạc vào ngày 29-11, sớm hơn 1 ngày so với dự kiến. Trong khi đó, phiên khai mạc chính thức với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ vẫn sẽ được tổ chức vào ngày 30-11 như dự kiến.

Nhân chuyến đi dự Hội nghị COP 21, chiều tối 29-11 (giờ địa phương), tại Thủ đô Pa-ri, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ và nói chuyện thân mật với đại diện cộng đồng người Việt và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp.

Cho biết những nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước cũng như những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Pháp và giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh mục đích tham dự Hội nghị COP 21 của đoàn đại biểu Việt Nam lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước của bà con kiều bào đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Pháp; đánh giá cao những đóng góp tích cực của các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp trong thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp luôn nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thực hiện tốt việc hỗ trợ, công tác bảo hộ công dân; không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp phát triển hiệu quả và sâu rộng hơn nữa; chủ động, sáng tạo trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đồng thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận quan trọng, không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, mong muốn bà con người Việt tại Pháp tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt luật pháp nước sở tại, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và luôn hướng về cội nguồn quê hương đất nước; là cầu nối góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Pháp trên các lĩnh vực.

Đêm 29-11 (theo giờ Việt Nam), tại Thủ đô Pa-ri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt và gặp gỡ và nói chuyện thân mật với đại diện cộng đồng người Việt và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp.

Theo đặc phái viên TTXVN, tại buổi tiếp ông Giăng Pi-e Ác-săm-bôn, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự gắn bó, tình đoàn kết và sự giúp đỡ quý báu của Hội hữu nghị Pháp - Việt và cá nhân ông Giăng Pi-e Ác-săm-bôn đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng đất nước ngày nay. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tình đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp trước những mất mát do các vụ khủng bố gây ra gần đây tại Pa-ri; tin tưởng với những biện pháp mà Pháp đang triển khai, những kẻ khủng bố sẽ bị trừng trị thích đáng. 

Hoan nghênh Hội hữu nghị Pháp - Việt đã nỗ lực tăng cường trao đổi, giao lưu, đóng góp vào phát triển hợp tác hiện nay giữa hai nước, Thủ tướng đánh giá cao các chương trình, dự án, hoạt động của Hội hữu nghị Pháp - Việt thời gian qua, nhất là giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết các vấn đề phát triển bền vững, giảm nghèo, cũng như tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như Hội thảo “Việt Nam ngày nay”, đồng tác giả “Lời kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình ở Biển Đông”… 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Tổng thư ký và Hội hữu nghị Pháp - Việt tiếp tục có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp, là cầu nối giúp cho bạn bè Pháp và quốc tế ngày càng hiểu và yêu mến Việt Nam hơn. 

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tiếp, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt Giăng Pi-e Ác-săm-bôn cho rằng sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị COP 21 lần này sẽ góp phần tích cực vào những quyết sách và thành công chung của Hội nghị. 

Nhắc lại dấu mốc quan hệ Hội hữu nghị Pháp - Việt từ năm 1961, ông nhấn mạnh, tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước là nền tảng vững chắc để vun đắp cho quan hệ hữu nghị và đẩy mạnh hợp tác song phương Pháp - Việt ngày càng thiết thực, vì lợi ích của nhân dân hai nước. 

Tổng thư ký Giăng Pi-e Ác-săm-bôn khẳng định Hội hữu nghị Pháp - Việt tiếp tục triển khai các chương trình, dự án ngày càng thiết thực hơn, nhất là trong việc giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam và các hoạt động nhân đạo khác ở Việt Nam, đồng thời tiếp tục đóng góp tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa các địa phương của hai nước Việt - Pháp nói riêng…

Nói chuyện thân mật với đại diện cộng đồng người Việt và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước của bà con kiều bào đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Pháp; đánh giá cao những đóng góp tích cực của các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp trong thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực. 

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp luôn nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thực hiện tốt việc hỗ trợ, công tác bảo hộ công dân; không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp phát triển hiệu quả và sâu rộng hơn nữa; chủ động, sáng tạo trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận quan trọng, không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, mong muốn bà con người Việt tại Pháp tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt luật pháp nước sở tại, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và luôn hướng về cội nguồn quê hương đất nước; là cầu nối góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Pháp trên các lĩnh vực.

Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) chính thức khai mạc chiều qua, 30-11 (theo giờ Việt Nam) tại Pháp. Nước chủ nhà nói rằng việc đạt được thỏa thuận toàn cầu “nằm trong tầm tay”.

Khoảng 40 nghìn người - bao gồm quan chức từ 147 quốc gia và 3.000 nhà báo - tham dự ​Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 21), BBC đưa tin.

Ông Ma-nu-en Pun-ga Vi-đam​ - Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Pê-ru năm 2014, mở màn phiên khai mạc COP 21. Các nhà lãnh đạo thế giới dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân khủng bố Pa-ri.

Ngoại trưởng Pháp Lô-răng Pha-bi-ơ tuyên bố, các cường quốc có thể đạt thỏa thuận về giảm khí thải và tránh tình trạng ấm lên toàn cầu. “Chúng ta chưa đạt được thành công, nhưng nó nằm trong tầm tay của chúng ta”, ông nhận định.​​

Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết rằng hai nước sẽ hợp tác để thúc đẩy thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại các cuộc đàm phán quốc tế ở Pa-ri.​​

Trước cuộc hội đàm song phương với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Ô-ba-ma khẳng định sự dẫn dắt của hai nước là yếu tố quan trọng trong nỗ lực vận động các nước giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.​

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thái tử Sác-lơ của Anh cũng nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là hiểm họa lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt.​​ “Một thỏa thuận tại Pa-ri sẽ đặt nền móng cho một tương lai an toàn hơn”, ông nói.​

COP 21 diễn ra trong bối cảnh Nghị định thư Ky-ô-đô sắp hết hạn vào năm 2020. Nó đặt các nhà lãnh đạo thế giới dưới áp lực đạt được thỏa thuận mới mang tầm quốc tế, phù hợp với điều kiện các nước và bảo vệ môi trường toàn cầu.​

Nghị định thư Pa-ri cần giải quyết các vấn đề nan giải, tạo ra sự bình đẳng và ràng buộc pháp lý với tất cả các bên tham gia về vấn đề môi trường. Nó cũng cần linh hoạt, được xây dựng trên tinh thần tự nguyện của các nước và có thể được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với những diễn biến về khí hậu trong vài thập kỷ tới.​​​​

Biến đổi khí hậu tạo ra những mối nguy mà ai cũng hiểu rõ. Tuy nhiên, các quốc gia đang khá mâu thuẫn về lượng khí thải carbon cần cắt giảm. Các nước phát triển muốn gây áp lực để những quốc gia đang phát triển cắt giảm nhiều hơn khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng chưa được chấp thuận vì lý do tốn kém và làm tăng giá thành sản phẩm.

Để chuẩn bị cho COP 21, Pháp đã triển khai tổng cộng 120 nghìn cảnh sát và hiến binh được huy động trên toàn nước Pháp để đảm bảo an ninh. Trong đó, ​2.800 cảnh sát và hiến binh nhằm đảm bảo an ninh ở Lơ Bu-ghê, phía bắc Thủ đô Pa-ri, địa điểm tổ chức hội nghị. Khoảng 8.000 cảnh sát được triển khai tại khu vực biên giới trong 11 ngày diễn ra hội nghị để kiểm soát xe cộ đi vào biên giới nước Pháp.

Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất không phải ở khu vực Lơ Bu-ghê. Nơi đây khá khép kín và chia thành 3 địa điểm chính, những khu vực công cộng cách xa trung tâm hội nghị, chỉ cho phép các đại biểu và nhà báo ra vào.

Pháp cũng cấm người dân tiến hành các cuộc biểu tình, tuần hành trên toàn lãnh thổ. Lực lượng an ninh ngăn chặn hai cuộc tuần hành vì khí hậu dự trù diễn ra ngày 29-11, trước ngày khai mạc hội nghị và ngày 12-12, sau ngày bế mạc. Giới chức sẽ phạt nặng những người không tuân thủ lệnh cấm.

Các tuyến đường dẫn tới sân bay lớn ở Pa-ri sẽ bị phong tỏa. Bộ trưởng Nội vụ Ca-dơ-nô-vơ cũng kêu gọi người dân thủ đô không sử dụng xe riêng trong những ngày này. Tất cả phương tiện giao thông công cộng miễn phí giá vé để giúp giảm tắc nghẽn. Xe buýt và tàu điện ngầm tại Pa-ri bổ sung 70 nghìn chỗ ngồi với chi phí ước tính khoảng 10 triệu USD. Các Cty nhận lệnh hoãn giao hàng và nhân viên được làm việc tại nhà.

Sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện một loạt cuộc tấn công và nói rằng Pa-ri là mục tiêu đầu tiên trong chuỗi những âm mưu khủng bố, Chính phủ Pháp tăng cường kiểm soát biên giới, đồng thời tiếp tục tiến hành các cuộc rà soát và bắt giữ chiến binh cực đoan nhằm phá vỡ các âm mưu khủng bố. Theo ông Ca-dơ-nô-vô, giới chức nước này đã bắt hơn 300 phần tử cực đoan từ ngày 13-11 và hiện vẫn giam giữ 200 người.​​/.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com