Ngày 14-10-2015, Ban ATGT tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, sơ kết 9 tháng công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đồng chí Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
5 năm qua, các cấp, ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ. Việc thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã được lồng ghép với công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước cho trẻ em, góp phần xây dựng môi trường sông nước an toàn với trẻ em, theo các tiêu chí địa bàn an toàn, bến an toàn, phương tiện an toàn và trẻ em tham gia giao thông đường thuỷ an toàn. Duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm cũ; xây dựng, triển khai thành công các mô hình "Làng chài tự quản" tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường), mô hình "Cửa sông an toàn" tại Thịnh Long (Hải Hậu) và Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). Các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở nơi xây dựng các mô hình đều chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác củng cố, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; phối hợp xử lý vi phạm; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giải quyết khi xảy ra TNGT đường thuỷ; đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo trật tự ATXH, tăng cường quản lý hoạt động giao thông đường thuỷ. Đến nay, đã tạo được môi trường văn hoá khi tham gia giao thông đường thuỷ; nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của lực lượng cán bộ chức năng; từng bước tạo thói quen mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách đi đò. Các vi phạm về điều kiện hoạt động, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện đã giảm mạnh. UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Thời gian tới, Ban chỉ đạo cuộc vận động tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các mô hình hiệu quả. Tạo môi trường thuận lợi để cá nhân, tổ chức khi tham gia giao thông đường thủy nội địa đều hiểu biết đầy đủ, chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, ủng hộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể và các tổ chức xã hội trong tổ chức thực hiện cuộc vận động.
Về công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng đầu năm, các cấp, ngành chức năng, các địa phương đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp theo kế hoạch. Chú trọng đảm bảo giao thông trong các dịp nghỉ tết, lễ hội, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhờ đó các phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải giảm; không có TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra; chất lượng phục vụ các tuyến vận tải khách công cộng bước đầu được nâng lên. Tăng cường phối hợp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; không để phát sinh thêm đường ngang dân sinh qua đường sắt trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, TNGT trong 9 tháng đầu năm chưa được kiềm chế; toàn tỉnh vẫn để xảy ra 99 vụ, làm chết 56 người, bị thương 83 người; so với cùng kỳ năm 2014, tăng 6,5% số vụ, tăng 1,2% số người chết, tăng 3,8% số người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa giao thông của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa cao; sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong đảm bảo trật tự ATGT chưa quyết liệt, đồng bộ; một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, thiếu gương mẫu trong công tác đảm bảo trật tự ATGT; công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ còn phổ biến; việc đốt rơm rạ gây khói bụi diện rộng và phơi nông sản trên đường cản trở giao thông vẫn diễn ra. Tình trạng xe quá tải hoạt động trên các tuyến đê; xe ba, bốn bánh tự chế hoạt động ở địa bàn nông thôn chưa được xử lý triệt để. Tiến độ thực hiện kế hoạch xử lý các đường dân sinh mở trái phép qua đường sắt, đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt của UBND tỉnh còn chậm do khó khăn về vốn. Đường giao thông nông thôn được cải tạo nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu các thiết bị bảo đảm ATGT.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT ở các huyện, thành phố. Các cấp, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh và các tổ chức, đoàn thể tập trung đổi mới phương pháp tuyên truyền; tăng cường kiểm tra trên các tuyến giao thông trọng điểm và kiên quyết xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Sở GTVT tập trung rà soát và tiến hành khắc phục bất cập của hệ thống biển báo, chú trọng tại những điểm có nguy cơ xảy ra TNGT cao; tăng cường quản lý Nhà nước về vận tải hành khách, bến xe, cầu phao, công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; hoàn thành Quy hoạch giao thông đường thủy đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Ban ATGT các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, bám sát thực tế để thực hiện các biện pháp giảm TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy trên địa bàn nông thôn; phát huy vai trò các tổ tự quản ATGT để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; có trách nhiệm phối hợp với ngành GTVT quản lý lòng đường, vỉa hè, giải tỏa và chống lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao kết quả đã đạt được trong 5 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; trong đó có đóng góp của các ngành chức năng, các địa phương; đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các mô hình bảo đảm ATGT đường thủy hiệu quả. Trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, đồng chí nhấn mạnh để thực hiện các mục tiêu về bảo đảm ATGT và kiềm chế TNGT, các ngành, địa phương phải nghiêm túc đánh giá thực trạng để khắc phục các bất cập, tồn tại của địa phương, ngành mình, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT trong những tháng cuối năm. Các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, đơn vị truyền thông phát huy hiệu quả chương trình xây dựng văn hóa giao thông theo hướng tạo được sức mạnh cộng đồng lên án, tẩy chay, tạo sức ép để thay đổi hành vi của các đối tượng không nghiêm túc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Tăng cường công tác xử lý vi phạm, tập trung vào các lỗi vi phạm về tốc độ qua thiết bị giám sát hành trình; tăng cường xử lý xe quá tải tại vùng nông thôn. Khẩn trương trang bị thiết bị bảo đảm ATGT cho giao thông nông thôn, trong đó lưu ý biện pháp làm gờ giảm tốc; điều chỉnh bất cập về thời gian điều tiết phương tiện của hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn Thành phố Nam Định. Ngành GTVT xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương trong công tác bảo đảm ATGT đường sắt. Các địa phương có hệ thống đường sắt đi qua tăng cường biện pháp gác chắn, cảnh báo tàu chạy; tập trung huy động, sắp xếp hợp lý nguồn kinh phí, ưu tiên đầu tư xây dựng đường gom tại những điểm có nguy cơ cao xảy ra TNGT đường sắt cho nhân dân lưu thông an toàn./.
Thanh Thuý