Theo các chuyên gia Bộ KH và ĐT, trong thời gian tới, nếu giá dầu thô không tăng, trong khi các hãng hàng không tiếp tục nhập khẩu máy bay phục vụ quá trình hiện đại hóa thì nhập siêu 2 tháng cuối năm 2015 có thể sẽ tăng lên.
Trong khi đó, nhập siêu tháng 10-2015 ước tính khoảng 100 triệu USD. Nhập siêu 10 tháng ước tính 4,1 tỷ USD, bằng 3,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 13 tỷ USD.
Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 134,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,6 tỷ USD, giảm 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95 tỷ USD, tăng 14,3%.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước là điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; giày dép; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác. Đáng chú ý là dầu thô, than đá và một số mặt hàng nông sản giảm cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; trong đó dầu thô chỉ giảm 0,2% về lượng nhưng giảm tới 49,1% về kim ngạch.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 10 tháng năm nay, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 27,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014.
Ở chiều nhập khẩu, tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch ước đạt 138,7 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 56,6 tỷ USD, tăng 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,1 tỷ USD, tăng 19,3%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu 10 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; vải; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép…
Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc là lớn nhất với 41 tỷ USD; tiếp theo là Hàn Quốc; ASEAN; Nhật Bản…
Theo SGGP