Theo Bộ Y tế, thực hiện Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có quy định hướng tính đúng, tính đủ 7 cấu phần chi phí vào giá dịch vụ y tế, năm 2012, Bộ đã điều chỉnh 3/7 cấu phần (gồm các khoản chi phí trực tiếp như: thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất; tiền điện, nước; duy tu bảo dưỡng trang thiết bị trực tiếp).
Dự kiến, cuối tháng 11 tới, theo lộ trình, liên Bộ Y tế - Tài chính sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính thêm 1 cấu phần, đó là chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Đến tháng 3-2016, sẽ tính thêm cấu phần tiền lương. Trước mắt chỉ áp dụng với người có thẻ BHYT.
Như vậy, giá dịch vụ y tế sẽ được tính gồm 5/7 cấu phần.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Tài chính kế hoạch (Bộ Y tế) cho biết việc này cũng tuân thủ quy định của Luật BHYT (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-1-2015, nhằm thống nhất giá dịch vụ y tế ở tất cả các bệnh viện (BV). Khi đó, chỉ có giá khám, chữa bệnh và giá ngày giường sẽ được phân theo thứ hạng BV và chuyên khoa. Còn tất cả các dịch vụ kỹ thuật khác sẽ có chung một giá ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước, không phân biệt vùng miền và thứ hạng BV.
Cũng theo ông Liên, giá viện phí tăng lần này thực chất là chuyển dịch tài chính. Tức là khi đã tính cả tiền lương, tiền phụ cấp vào giá dịch vụ y tế thì phần ngân sách Nhà nước cấp trả lương, trả chi phí thường xuyên cho các cơ sở y tế… sẽ được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, đặc biệt là các nhóm người yếu thế trong xã hội.
Ví dụ trong 1 ca đẻ, các chi phí bao gồm chi phí trực tiếp 650 nghìn đồng, lương và phụ cấp 250 nghìn đồng, khấu hao tài sản và trang thiết bị là 100 nghìn đồng. Tổng chi phí là 1 triệu đồng.
Hiện nay, chi phí trực tiếp do chưa được tính đủ vào giá nên người bệnh và BHYT đang cùng chi trả, còn tiền lương và khấu hao tài sản do ngân sách Nhà nước cấp cho các BV.
Tuy nhiên, khi tính đủ chi phí trực tiếp vào giá thì người bệnh không phải thanh toán nữa mà BHYT sẽ thanh toán toàn bộ chi phí trực tiếp. Còn khi tính tiền lương vào giá, ngân sách Nhà nước sẽ không cấp cho các BV nữa.
Số tiền ước tính mỗi năm vào khoảng hàng nghìn tỷ đồng này sẽ chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), khi áp dụng mức giá mới với người chưa có thẻ BHYT (khoảng tháng 3-2016), chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới đối tượng này (chiếm khoảng 27% dân số hiện nay). Vì vậy, người dân cần chủ động tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Các địa phương cũng cần tích cực huy động mức hỗ trợ để mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng như người cận nghèo (đã được Nhà nước hỗ trợ 70%)...
Ông Sơn cũng cho biết lần điều chỉnh giá này sẽ không đặt ra vấn đề điều chỉnh tăng mức đóng BHYT của người dân. Vì từ năm 2010, thông qua các biện pháp quản lý của BHXH, các cơ sở khám, chữa bệnh tích cực cung cấp các dịch vụ y tế theo hướng chi phí hiệu quả. Vì vậy mỗi năm tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2014, quỹ BHYT có kết dư khoảng 5.200 tỷ đồng. Số tiền kết dư này đủ để đảm bảo đáp ứng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này.
Theo lộ trình, đến năm 2018 khi cả 7 cấu phần dịch vụ y tế được tính vào giá dịch vụ thì BHXH mới cân nhắc việc có điều chỉnh tăng mức đóng hay không.
Ông Phạm Lương Sơn khẳng định từ nay đến năm 2017, vấn đề điều chỉnh tăng mức đóng phí BHYT của người dân sẽ không được đặt ra./.
Theo chinhphu.vn