Theo các chuyên gia kinh tế, đến thời điểm này đã có thể dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 sẽ tăng ở mức rất thấp và thấp hơn hẳn so với chỉ tiêu 5% đã đề ra. Đơn cử, những tháng đầu năm nay, CPI đều tăng thấp hoặc giảm so với tháng trước (ví dụ, CPI tháng 8 giảm 0,07% so với tháng 7, đồng thời là tháng 8 duy nhất trong 10 năm gần đây có CPI giảm). Chỉ số này thể hiện diễn biến khó lường của thị trường và là hệ quả của cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Trước hết, hoạt động sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay khá ổn định. Hầu hết phân ngành như trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi nói chung đều có mức tăng trưởng. Trong đó, sản xuất lúa bảo đảm có "của ăn, của để" và tham gia xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều địa phương thường xuyên đạt sản lượng các loại cây ăn trái như cam, bưởi, vải, nhãn... khá cao bên cạnh các loại rau, củ, quả liên tục đủ mức đáp ứng nhu cầu. Vì thế, nhóm hàng ăn, thực phẩm và dịch vụ ăn uống chỉ tăng (giá) rất thấp.
Bên cạnh đó, một số nhóm hàng khác như may mặc, nhà đất, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, y tế... cũng không có được mức tăng cao đủ để thúc đẩy CPI tăng mạnh. Riêng nhóm giáo dục có tăng khá mạnh ở tháng 8 nhưng chỉ là tăng cục bộ với nhu cầu đột biến về văn phòng phẩm, đồ dùng học tập trước khi khai giảng năm học mới.
Đặc biệt, nguyên nhân chủ yếu và tác động trực tiếp đến CPI, làm CPI tăng thấp là giá xăng dầu - đầu vào của các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có một số lần điều chỉnh giảm. Thực tế, ít có năm nào mà giá nhiên liệu lại có nhiều lần giảm, trong đó có những lần giảm sâu như thời gian qua, từ đó kìm giữ mức tăng đối với hầu hết các nhóm hàng khác. Đồng thời, thu nhập của đại bộ phận dân cư, nhất là giới làm công ăn lương chưa có sự cải thiện, khiến sức mua không tăng đáng kể.
CPI tăng thấp, cộng đồng doanh nghiệp tiết giảm được chi phí đầu vào, thuận lợi cho quá trình hồi phục sau quãng thời gian suy thoái vừa qua.
Rõ ràng, mức tăng CPI rất thấp so với "ngưỡng" 5% của cả năm theo chỉ tiêu trong khi từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 3 tháng và dự báo, khó có sự thay đổi đột ngột nào có thể đẩy CPI tăng mạnh. Yếu tố quan trọng nhất, có thể quyết định mức tăng của CPI là giá xăng dầu vẫn đang trong xu hướng giảm trên thị trường quốc tế. Thậm chí, giới chuyên gia quốc tế còn nhận định, còn có khả năng xảy ra là giá dầu hạ xuống mức 20 USD/thùng (so với mức giá thông thường trước đây là 60-80USD/thùng)./.
Theo HNM