Một số chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1-9-2015

09:09, 01/09/2015
Khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ vẫn được hưởng BHYT
 
Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC của Liên bộ Y tế và Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-9-2015 đã điều chỉnh nội dung về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vào ngày nghỉ, ngày lễ.
 
Nếu như trước đây, chỉ trong trường hợp quá tải, cơ sở y tế phải tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ, người khám, chữa bệnh mới được Quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; thì kể từ tháng 9-2015, cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ mà không phải vì lý do quá tải, người khám, chữa bệnh vẫn hưởng quyền lợi này.
Tuy nhiên, trước khi tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ, cơ sở y tế phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm xã hội.
 
Đồng thời, có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn và công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia BHYT.
 
Bộ trưởng được đi xe công không quá 1,1 tỷ đồng
 
Theo Quyết định 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21-9-2015, ngoài Bộ trưởng, các chức danh khác như thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh… cũng sẽ được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác 1 xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe.
 
Ngoài ra, các chức danh Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao… được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác, không hạn chế mức giá.
 
Riêng với chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô không hạn chế mức giá kể cả sau khi đã nghỉ công tác. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện để thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng xe ô tô đó mà không được mua thêm xe mới.
 
Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng tối đa 5 lần lương tối thiểu
 
Đây là nội dung nổi bật của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH. Theo đó, trường hợp người lao động (NLĐ) đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của NLĐ là tối đa 5 lần lương tối thiểu.
 
Trường hợp NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức hưởng này tối đa không quá 5 lần lương cơ sở.
 
Ngoài ra, Thông tư này cũng yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động của NLĐ thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực.
 
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15-9-2015; tuy nhiên các chế độ quy định tại Thông tư được áp dụng từ ngày 1-1-2015.
 
Nhiều trường hợp được miễn phí thi hành án dân sự
 
Người có khó khăn về kinh tế, thuộc chuẩn hộ nghèo, được UBND cấp xã nơi cư trú hoặc làm việc xác nhận sẽ được giảm đến 80% phí thi hành án dân sự.
 
Miễn phí thi hành án dân sự đối với người được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc diện neo đơn được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận; người thuộc diện tàn tật, ốm đau kéo dài, có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám, chữa bệnh cấp huyện trở lên xác nhận.
 
Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 1-9.
 
Mỗi lao động được vay tối đa 50 triệu đồng để tìm việc làm
 
Theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực từ 1-9-2015, cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.
 
Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng (Thời hạn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận). Lãi suất vay vốn bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do
Thủ tướng Chính phủ quy định.
 
Thời gian đào tạo nâng hạng Giấy phép lái ô tô
 
Từ ngày 1-9, Bộ GTVT cho phép người chưa đủ tuổi vẫn được học trước để nâng hạng GPLX ô tô; tuy nhiên chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.
 
Ngoài ra, để nâng hạng GPLX C, D, E lên FC, người học phải có thời gian hành nghề từ 1 năm và có từ 50 nghìn km lái xe an toàn trở lên. Thời gian đào tạo với trường hợp nâng hạng GPLX hạng C, D, E lên FC là 272 giờ, trong đó có 48 giờ lý thuyết và 224 giờ thực hành lái xe.
Các trường hợp còn lại vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
 
Mọi học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trung cấp đều được giảm 50% học phí
 
Cụ thể, Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH quy định tất cả học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp đều được giảm 50% học phí thay vì chỉ học sinh tốt nghiệp THCS trong thời gian 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp đi học trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp mới được hưởng quyền lợi này.
 
Ngoài ra, Thông tư liên tịch này cũng hướng dẫn cụ thể hơn về phương thức chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập. Trong đó, Phòng GD và ĐT chịu trách nhiệm chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh THCS; Sở GD và ĐT chi trả cho cha mẹ học sinh (hoặc học sinh) THPT, học viên học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh tại các cơ sở giáo dục khác hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả.
 
Quyết định này hiệu lực từ ngày 1-9-2015./.
 
PV


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com