Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến tham gia dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Thống kê (sửa đổi)

08:09, 08/09/2015

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội, ngày 7-9-2015, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Thống kê (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Trưởng Đoàn ĐBQH của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 5 chương với 92 điều quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH; HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát. Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và cho rằng, để kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định liên quan đến hoạt động giám sát trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, việc ban hành một đạo luật chung về hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND là cần thiết. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung: Thẩm quyền giám sát của HĐND; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; chương trình giám sát của Quốc hội; chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề của Quốc hội, HĐND, các Ban của HĐND và hoạt động giám sát của các tổ đại biểu HĐND. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị tại điều 3, không nên quy định hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND vì tổ đại biểu HĐND chỉ là hình thức tổ chức hoạt động của đại biểu HĐND, không có con dấu nên khi tổ chức hoạt động giám sát sẽ rất khó khăn.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND vẫn chưa phát huy hết chức năng giám sát theo quy định. Tại điều 6, điều 8 quy định về thẩm quyền giám sát của HĐND nên bổ sung thêm quy định đối tượng chịu sự giám sát là các tổ chức kinh tế - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang ở địa phương để đảm bảo sự giám sát toàn diện của HĐND ở các lĩnh vực tại địa phương và có quy định chế tài xử lý đối với cơ quan giám sát khi giám sát sai. Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại điều 65, các đại biểu đề nghị nên bổ sung thêm quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Chánh văn phòng HĐND cấp tỉnh. Tại điều 80 quy định về trình tự thẩm tra báo cáo, nên bổ sung thêm khoản quy định người đứng đầu cơ quan báo cáo có trách nhiệm tiếp thu, giải trình các nội dung báo cáo…

Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) gồm 9 chương, 75 điều quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê Nhà nước, tổ chức thống kê Nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê Nhà nước. Mục đích, nguyên tắc, yêu cầu và phạm vi của hoạt động thống kê ngoài Nhà nước; giá trị của thông tin thống kê ngoài Nhà nước. Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề cơ bản của dự thảo Luật như: phạm vi điều chỉnh; các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê; hệ thống thống kê thông tin Nhà nước; phương pháp thống kê; hệ thống chỉ tiêu quốc gia; điều chỉnh chỉ tiêu thống kê quốc gia; tổng điều tra thống kê quốc gia; lịch công bố thông tin thống kê Nhà nước... Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị tại mục 3, chương 3 về Chế độ báo cáo thống kê nên có quy định chế tài xử lý việc cung cấp số liệu thống kê không bảo đảm kịp thời, chính xác; điều 49 cần quy định thống nhất về số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê và việc tự thống kê của các bộ, ban, ngành. Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm các điều, khoản quy định cụ thể thời điểm tính số liệu thống kê trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và việc lưu trữ số liệu thống kê…

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH của tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp tích cực, sát thực tiễn của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com