Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Luật An toàn thông tin

08:09, 09/09/2015

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội, ngày 8-9-2015, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Luật An toàn thông tin. Đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện một số sở, ban, ngành có liên quan.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) gồm 26 chương, 700 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý, về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác. Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị nhất trí cao với kết cấu và các nội dung của dự thảo Bộ luật. Đa số ý kiến cho rằng: dự thảo Bộ luật Dân sự được chuẩn bị công phu, đã bảo vệ các quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013 và phù hợp với thực tiễn, với các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đồng thời phân tích, làm rõ các nội dung trong dự thảo luật như: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ quyền dân sự; chủ thể quan hệ pháp luật dân sự; giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức; thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác theo hợp đồng; cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm; điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi; lãi suất… Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia các ý kiến vào kỹ thuật lập pháp của dự thảo luật như: Cần thống nhất quy định trình tự trong dự thảo luật là điều chứ không nên quy định theo trình tự vừa điều, vừa mục và điều chỉnh viện dẫn như hiện hành.

Dự thảo Luật An toàn thông tin có 8 chương, 63 điều quy định các nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin; bảo vệ thông tin cá nhân; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin; nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; quản lý Nhà nước về an toàn thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam. Tại hội nghị, đa số các đại biểu đồng tình cao với sự cần thiết của Luật An toàn thông tin trong thực tế, đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề cơ bản của dự thảo Luật như: Tên của Luật và phạm vi điều chỉnh; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; vấn đề kinh doanh an toàn thông tin trên mạng; tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin; trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thông tin. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, nhiều khái niệm đề cập trong Luật chưa rõ ràng, khó hiểu; cần phải điều chỉnh một số cụm từ chuyên ngành sao cho dễ hiểu, gần gũi với người dân; phạm vi điều chỉnh của Luật chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin... Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị tại Điều 3, đơn vị soạn thảo giải thích, làm rõ cụm từ “mật mã dân sự”; Điều 28 cần bổ sung trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin tại cấp tỉnh, huyện. Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm các điều, khoản quy định về phát triển, đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin; chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; phân định rõ trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong việc đảm bảo an toàn thông tin.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới./.

Trần Văn Trọng Hoa Xuân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com