Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Kế toán (sửa đổi)

08:09, 18/09/2015

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, trong 2 ngày 16, 17-9-2015, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Kế toán (sửa đổi). Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.

Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 điều quy định các vấn đề có liên quan tới việc đề nghị, quyết định, tổ chức, các cơ quan, tổ chức phụ trách, danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu, trình tự, thủ tục bỏ phiếu; quyền, nghĩa vụ của cử tri trong trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề trong dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, trong đó tranh luận các nội dung quan trọng như những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân, chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, những vấn đề không nên trưng cầu ý dân, thể chế vai trò của MTTQ trong trưng cầu ý dân… Nhiều đại biểu có ý kiến cho rằng, ngoài các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, cần bổ sung những vấn đề có liên quan trực tiếp đến đời sống người dân để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bổ sung quy định về trưng cầu ý dân phạm vi địa phương và khu vực để tạo điều kiện giải quyết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung vào luật một số chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân đối với các cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, quy định tỷ lệ cử tri bỏ phiếu để đảm bảo tính hợp lệ và hiệu lực của vấn đề trưng cầu; trách nhiệm báo cáo kết quả trưng cầu ý dân; vấn đề bỏ phiếu đối với người bị án phạt tù, giải quyết khiếu nại liên quan đến trưng cầu ý dân.

Dự thảo Luật Khí tượng thủy văn gồm 11 chương, 59 điều, quy định về các hoạt động khí tượng thủy văn; công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn. Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Khí tượng thủy văn, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần xem xét kỹ, đảm bảo đồng nhất với Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; những nội dung về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn phải tuân thủ điều ước quốc tế; nghiên cứu bổ sung vấn đề tác động vào thời tiết; công tác quản lý Nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của luật; những quy định về hoạt động dịch vụ phục vụ khí tượng thủy văn; các quy định và chế tài liên quan đến việc sử dụng số liệu khí tượng thủy văn; các quy định liên quan về vùng không gian giáp ranh khu vực đặt Trạm Khí tượng thủy văn; quy định thẩm quyền, phân cấp của cấp huyện, tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn.

Dự thảo Luật Kế toán gồm 7 chương, 74 điều quy định phạm vi điều chỉnh; nội dung công tác kế toán; tổ chức bộ máy kế toán; hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán… Tại hội nghị, các đại biểu đồng tình, nhất trí cao với kết cấu và các nội dung trong dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi); đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề cơ bản của dự thảo Luật như: Phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; tính cụ thể của Luật; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; quy định về nguyên tắc hoạt động của Luật; quy định về chuẩn mực kế toán; đối tượng kế toán; các hành vi bị cấm; báo cáo tài chính Nhà nước; hoạt động kiểm toán nội bộ; kinh doanh dịch vụ kế toán. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu còn góp ý về điều kiện cấp chứng chỉ cho kế toán viên, nếu quy định phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thì dẫn đến nguy cơ mất việc cho nhiều người có trình độ trung cấp đang là kế toán; quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán phải “có ít nhất 3 kế toán viên hành nghề” là bất hợp lý so với một số tổ chức hành nghề kinh doanh có điều kiện khác, cần nên xem xét lại cho phù hợp; Luật cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm kế toán trưởng; bổ sung chứng chỉ đối với kế toán viên; nên có quy định sử dụng màu mực không phai đối với chứng từ kế toán; quy định thế nào là tài liệu kế toán có tính lịch sử, tài liệu có tính lưu trữ. Về quy định những người không được làm kế toán trong dự thảo, đại biểu ý kiến nên quy định rõ các đối tượng nào bị cấm.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ tổng hợp gửi cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp của Quốc hội trong thời gian tới./.

Thanh Tuấn Hoa Xuân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com