Ngày 22-7, tại Thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Bộ TT và TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2015.
Tại hội nghị, đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT và TT cho biết: Trong những năm qua, cùng với báo chí cả nước, báo chí văn nghệ ngày càng đổi mới và phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước đặc biệt là xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí văn học nghệ thuật mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn chậm, chưa tạo được tiếng nói quyết định trong việc định hướng cho xã hội về những vấn đề trong lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa có sự thống nhất hoặc đang còn tranh cãi.
Bên cạnh đó, các báo văn nghệ của cơ quan báo chí thuộc các tổ chức chính trị xã hội, bộ, ngành chưa đầu tư chiều sâu để tạo nên bản sắc riêng cho ấn phẩm của mình; một số chương trình văn nghệ trên đài truyền hình còn đăng các nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc...; một số báo điện tử, đặc biệt là một số chuyên trang dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên tính định hướng thẩm mỹ, định hướng tư tưởng xã hội chưa được chú ý. Ngoài ra, việc tiếp sóng, phát sóng quá nhiều chương trình truyền hình nước ngoài, khai thác chương trình trò chơi truyền hình nước ngoài, nhập khẩu phim nước ngoài đã vô tình cổ súy cho văn hóa ngoại lai, làm giảm hiệu quả thông tin tuyên truyền đặc biệt là tuyên truyền văn hóa Việt Nam. Xu thế đó đang làm giảm hiệu quả của báo chí văn nghệ trong công tác tuyên truyền, xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Hội nghị đã chỉ ra những khó khăn, bất cập tồn tại trong thời gian qua đối với báo chí văn nghệ cần khắc phục như: thiếu kinh phí hoạt động; lượng phát hành thấp; đội ngũ nhân lực còn thiếu, tay nghề chưa cao; cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng; nội dung chưa được quan tâm đồng đều cả về sáng tác và lý luận phê bình; chuyên mục văn hóa - văn nghệ của nhiều báo điện tử còn thiếu định hướng để xảy ra thực trạng chủ yếu đi sâu khai thác đời tư các diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng...
Hội nghị đã đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí văn nghệ trong thời gian tới, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng thông tin đúng định hướng, lành mạnh, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam; phản ánh chân thật, sinh động đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Bên cạnh đó, khuyến khích đội ngũ hoạt động văn hóa, văn học, văn nghệ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật; hoàn thiện khung pháp lý đối với việc tài trợ, đặt hàng và khuyến khích sáng tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật./.
Theo nhandan.com.vn