Sáng 1-7-2015, Cảng vụ Hàng hải Nam Định đã tổ chức hội nghị ký kết Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trong vùng nước cảng biển Nam Định. Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở NN và PTNT, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, UBND Thị trấn Thịnh Long, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Thịnh, doanh nghiệp cảng, các nhà máy đóng tàu trong vùng nước cảng biển tới dự. Các cơ quan tham gia ký kết quy chế gồm Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nam Định, Cảng vụ Hàng hải Nam Định, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Khu vực I, Đài thông tin duyên hải Hải Phòng.
Tỉnh ta với 72km bờ biển trải dài từ cửa Ba Lạt (giáp tỉnh Thái Bình) đến cửa Đáy (giáp tỉnh Ninh Bình), 3 cửa sông đổ ra biển, gần với các tuyến giao thông huyết mạch nên có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế hàng hải nói riêng. Những năm gần đây, do được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật hậu cần nghề cá nên lượng tàu thuyền ra, vào cảng biển hoạt động sản xuất, tránh trú bão, buôn bán hải sản tăng cao so với cùng kỳ các năm trước. Trong số đó nhiều tàu chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo an toàn hàng hải; nhiều phương tiện sử dụng lâu năm, kinh phí duy tu, bảo dưỡng ít... Bên cạnh đó, ý thức của ngư dân đối với công tác đảm bảo an toàn hàng hải chưa được đề cao, trang bị áo phao cứu sinh không đồng bộ, thậm chí có phương tiện không có. Thực trạng đó tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hàng hải trong khu vực, đòi hỏi nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành của các đơn vị trong khu vực phải tập trung cao, trong đó có công tác phối hợp TKCN. Do vậy việc ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp TKCN trong vùng nước cảng biển tỉnh Nam Định là rất cần thiết.
Quy chế được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ theo Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan về TKCN; nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phối hợp TKCN phải tận dụng và phát huy mọi nguồn lực, cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị tại địa phương; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để nâng cao hiệu quả hoạt động TKCN trong vùng nước cảng biển. Hoạt động phối hợp TKCN phải đảm bảo ưu tiên cứu người, phương tiện và bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia hoạt động TKCN. Theo đó, Cảng vụ Hàng hải Nam Định được giao nhiệm vụ chủ trì hoạt động phối hợp TKCN trong vùng nước cảng biển Nam Định. Các cơ quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TKCN; phối hợp tổ chức, điều hành hoạt động TKCN; bàn giao, tiếp nhận và hỗ trợ người bị nạn; tổ chức đào tạo, huấn luyện, diễn tập TKCN, nhằm đảm bảo hoạt động TKCN có hiệu quả, an toàn, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do tai nạn hàng hải gây ra trong phạm vi vùng nước cảng biển Nam Định.
Phát biểu tại buổi ký kết, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đánh giá cao vai trò chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng biển của Cảng vụ Hàng hải Nam Định; yêu cầu hoạt động phối hợp TKCN phải đảm bảo thông tin được truyền đạt trực tiếp, nhanh nhất, chính xác nhất từ cơ quan có trách nhiệm đến các đối tượng bị nạn hoặc đang hoạt động trên biển, trong vùng nước cảng biển và ngược lại. Trong thời gian tới, các đơn vị liên quan tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tổ chức triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa các đơn vị đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, bảo vệ sản xuất trong mùa mưa bão./.
Đỗ Minh Chiến
(Cảng vụ Hàng hải Nam Định)