Tại Thủ đô Hà Nội, Hiệp hội Bông vải sợi Việt Nam (VCOSA) phối hợp với Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Dệt may Trung Quốc (CCCT) vừa tổ chức hội nghị Quốc tế về diễn đàn dệt may Việt Nam năm 2015. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của một số Tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may lớn trên thế giới như: Puma, Levi Strauss, Tal Group, Hiệp hội thời trang Hoa Kỳ và các doanh nghiệp dệt may trong cả nước. Dự hội nghị về phía tỉnh Nam Định có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam đã có sự phát triển mạnh về năng lực sản xuất, trở thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới. Hiện Việt Nam cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Băng-la-đét là những nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Các sản phẩm dệt may Việt Nam đã xuất khẩu sang 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số, đạt 12,18 tỷ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp dệt may hiện là một trong những ngành kinh tế lớn nhất của nước ta với hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 4,5 triệu lao động; trong đó 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động gián tiếp thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển.
Trong thời gian tới, dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi từ một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc… do thuế giảm mạnh và thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu một số nét khái quát về lịch sử, đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hoá - xã hội của Nam Định. Đồng chí nhấn mạnh: Với bề dày truyền thống văn hiến, Nam Định hiện là trung tâm dệt may lớn của cả nước, có nhiều lợi thế như nhân lực trẻ dồi dào, có tay nghề cao, hạ tầng giao thông, điện lực phát triển đồng bộ, môi trường đầu tư luôn được đánh giá tốt, an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm đưa Nam Định sớm trở thành trung tâm lớn về dệt may của cả nước, tỉnh đang tập trung phát triển chuỗi cung ứng dệt may tại Khu kinh tế Ninh Cơ, đặc biệt là dự án KCN Dệt may Rạng Đông. Chính phủ đã cho phép xây dựng tuyến đường kinh tế ven biển nối KCN này với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, rút ngắn thời gian di chuyển giữa KCN Rạng Đông về Hà Nội và cảng Hải Phòng chỉ còn hơn 1 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, dự án quốc lộ ven biển nối 6 tỉnh duyên hải Bắc bộ và Thanh Hoá, đi qua KCN Rạng Đông cũng đã được Chính phủ đồng ý cho xây dựng. KCN Dệt may Rạng Đông có tổng diện tích giai đoạn 1 khoảng 600ha sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra khoảng 1 tỷ mét vải/năm, đồng thời thu hút trên 10 vạn lao động. Việc xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Nam Định mà còn có tác động lan toả ra cả vùng, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng và các khu kinh tế ven biển cả nước. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Nam Định luôn sẵn sàng chào đón, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hợp tác, làm ăn lâu dài tại Nam Định./.
Xuân Thu