Chuyển sang nấc phát triển cao hơn trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu, An-giê-ri, Bồ Đào Nha và Bun-ga-ri

08:06, 09/06/2015

LTS - Ngày 6-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu tại Ca-dắc-xtan, thăm chính thức An-giê-ri, Bồ Đào Nha và Bun-ga-ri. Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến đi. Xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Bun-ga-ri Rô-sen Plê-vnê-li-ép.  Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Bun-ga-ri Rô-sen Plê-vnê-li-ép. Ảnh: TTXVN

PV: Chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ca-dắc-xtan, An-giê-ri, Bồ Đào Nha và Bun-ga-ri vừa kết thúc tốt đẹp. Đề nghị Thứ trưởng đánh giá về kết quả đạt được tại Ca-dắc-xtan?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Nhận lời mời của Thủ tướng các nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan, Cộng hòa An-giê-ri Dân chủ và Nhân dân, Cộng hòa Bồ Đào Nha và Cộng hòa Bun-ga-ri, từ ngày 29-5 đến ngày 6-6,

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu tại Ca-dắc-xtan, thăm chính thức các nước An-giê-ri, Bồ Đào Nha và Bun-ga-ri. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, phản ánh những khía cạnh đa dạng khác nhau trong chính sách đối ngoại của ta hiện nay, vừa thể hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, vừa là sự tiếp tục của đường lối tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng và Nhà nước đã và đang triển khai mạnh mẽ.

Hiệp định Thương mại tự do mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu ký tại Ca-dắc-xtan là hiệp định thương mại tự do thứ hai Việt Nam ký trong tháng 5 này, sau hiệp định ký với Hàn Quốc và nằm trong những hiệp định tự do thương mại thế hệ mới ta đã và đang thúc đẩy với các đối tác quan trọng. Việc ký FTA này tạo cho chúng ta những cơ hội lớn để gia tăng quan hệ thương mại - đầu tư với một thị trường hơn 170 triệu dân, tổng GDP trên 4.000 tỷ USD và tổng giá trị thương mại gần 1.000 tỷ USD.

Đây cũng là FTA đầu tiên của Liên minh Kinh tế Á - Âu với một nước ngoài khối, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các nước thành viên Liên minh trong thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với Việt Nam. Phát biểu của Chủ tịch Ban Thường trực Liên minh Kinh tế Á - Âu Khờ-rít-xten-cô cho thấy khá rõ lợi ích rộng lớn mà FTA mang lại cho các nước thành viên Liên minh. Ông cho rằng, việc ký Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên giữa các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu với Việt Nam mở ra định hướng hợp tác không chỉ với Việt Nam với tư cách một quốc gia, mà còn với ASEAN, một khu vực rộng lớn.

Thị trường các nước Liên minh là thị trường mới mở cửa và có tính bổ sung rất cao với nền kinh tế của ta, tạo cơ hội cho ta xuất khẩu nhiều mặt hàng ta có thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử, đồng thời tiến hành các hoạt động đầu tư trong các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến sang các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu. Bên cạnh đó, ta có điều kiện thu hút đầu tư, công nghệ cần thiết cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, chế tạo máy...

Các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển cũng là nền tảng thuận lợi để ta tăng cường quan hệ với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga và quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với các nước Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan và Cư-rơ-gư-xtan. Các cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng ta và Tổng thống, Thủ tướng Ca-dắc-xtan cũng như Thủ tướng các nước Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-ni-a và Cư-rơ-gư-xtan đều cho thấy sự nhất trí cao về cơ hội mà FTA mang đến cho các nước cũng như sự cần thiết tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa các bên và giữa Việt Nam với từng quốc gia thành viên Liên minh, nhằm tận dụng đà mở rộng hợp tác do FTA mang lại. Ngay tại Ca-dắc-xtan, trong khuôn khổ chuyến đi, ta cũng đã thúc đẩy một bước hợp tác giữa hai nước về dầu khí, về tư pháp với việc ký kết các thỏa thuận, chương trình hợp tác mới.

PV: Các chặng thăm song phương có nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể hơn về các điểm này?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong khi chặng Ca-dắc-xtan mang nhiều ý nghĩa liên kết kinh tế đa phương, thì các chặng tiếp theo tại An-giê-ri, Bồ Đào Nha và Bun-ga-ri là sự kết nối của các mối quan hệ song phương khá đa dạng. An-giê-ri và Việt Nam đã có sự gắn bó từ những năm cùng đấu tranh chống thực dân. Bun-ga-ri đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng đất nước sau này. Bồ Đào Nha tuy xa, quan hệ chưa nhiều nhưng cũng luôn có tình cảm gần gũi với đất nước và con người Việt Nam. Năm nay là năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa ta và Bun-ga-ri và 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa ta và Bồ Đào Nha.

Lãnh đạo các nước An-giê-ri, Bồ Đào Nha và Bun-ga-ri đều đánh giá cao chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng chuyến thăm đánh dấu mốc mới trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Đây là chuyến thăm cấp cao thứ hai của lãnh đạo Việt Nam tới An-giê-ri trong vòng năm năm qua sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa ta và Bồ Đào Nha và là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Bun-ga-ri kể từ năm 2000 sau chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải. Lãnh đạo An-giê-ri bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước của nhân dân Việt Nam, cho đây là tài sản quý báu, là cơ sở vững chắc để hai nước thúc đẩy quan hệ trên mọi lĩnh vực. Lãnh đạo Bun-ga-ri, Bồ Đào Nha đều thể hiện sự khâm phục trước những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong đối ngoại những năm qua.

Các nước đều nhấn mạnh, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đúng thời điểm hợp tác song phương đang cần những cú huých, cần nền tảng chính trị mạnh mẽ để bứt phá, chuyển sang các nấc thang phát triển cao hơn, đáp ứng được yêu cầu của tất cả các bên. Các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội các nước đều nhất trí đánh giá là quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp, nhưng nhiều mặt còn khiêm tốn, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư chưa tương xứng tiềm năng và thế mạnh của các bên; các bên cần nỗ lực để đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột trong hợp tác song phương, cần tích cực tìm kiếm những hình thức hợp tác mới để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước, nhất là trong những lĩnh vực có sự ưu tiên tương đồng hay có thể bổ trợ cho nhau.

Nhiều biện pháp cụ thể đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước xác định ngay để các bộ, ngành triển khai trong thời gian tới. Với An-giê-ri, hai nước đặt mục tiêu phấn đấu đạt đưa kim ngạch thương mại từ mức 250 triệu USD hiện nay vượt 1 tỷ USD trong những năm tới. Hai bên cũng cam kết hỗ trợ cho hợp tác dầu khí giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ta và An-giê-ri sẽ xem xét khả năng triển khai các dự án hợp tác về nông nghiệp, cử chuyên gia, kỹ thuật viên nông nghiệp Việt Nam sang An-giê-ri. Với Bồ Đào Nha, ta và bạn cũng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 360 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong vài năm tới. Hai nước cũng xác định các lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác, trong đó có kinh tế biển và du lịch, những lĩnh vực mà cả Việt Nam và Bồ Đào Nha đều ưu tiên cao trong chiến lược phát triển hiện nay và có nhiều lợi ích tương đồng có thể trao đổi với nhau. Với Bun-ga-ri, hai bên tập trung cụ thể hóa nhiều biện pháp và hướng đi nhằm triển khai "Mô hình hợp tác kinh tế mới" đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất. Bun-ga-ri coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong Kế hoạch hợp tác phát triển quốc tế 2015 của bạn.

Tại cả ba nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước đều dành sự quan tâm cao cho cộng đồng doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Bun-ga-ri, Phó Thủ tướng Bồ Đào Nha, nhiều bộ trưởng An-giê-ri đã cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với đại diện giới kinh doanh tại các cuộc đối thoại doanh nghiệp tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm. Qua đó, doanh nghiệp các nước nắm bắt được nhiều thông tin, cơ hội cũng như kết nối với các đối tác kinh doanh tại Việt Nam. Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng Thủ tướng nước bạn khai mạc Diễn đàn Kinh tế Biển, một hoạt động trọng tâm trong Tuần lễ Biển do Bồ Đào Nha tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này. Tại An-giê-ri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm các gian hàng Việt Nam tại Hội chợ quốc tế An-giê.

Bên cạnh trọng tâm hợp tác kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trên tất cả các lĩnh vực hai bên có nhu cầu cũng như cần tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi, giao lưu để tăng hiểu biết và gắn bó giữa nhân dân các nước. Ta và An-giê-ri đã ký các thỏa thuận hợp tác về văn hóa, y tế và du lịch. Ta và Bồ Đào Nha ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Thỏa thuận hợp tác du lịch. Ta và Bun-ga-ri ký Hiệp định hợp tác về đấu tranh phòng, chống tội phạm, Chương trình hợp tác tư pháp giai đoạn 2016-2017, Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Xô-phi-a, giữa Thành phố Cần Thơ và Thành phố Rút-xe. Tại An-giê-ri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo Liên đoàn Vovinam An-giê-ri, một liên đoàn võ thuật có trên 15 nghìn võ sinh người An-giê-ri theo học và tập luyện.

PV: Trong các cuộc tiếp xúc tại Ca-dắc-xtan và hội đàm, hội kiến tại An-giê-ri, Bồ Đào Nha, Bun-ga-ri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước cũng đã có dịp trao đổi về hợp tác đa phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Xin Thứ trưởng cho biết thêm về các nội dung này?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trước hết, cần phải nói rằng các nước đều đánh giá cao sự phối hợp của Việt Nam với các nước này trên các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế, đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực và trên quốc tế, mong muốn tiếp tục trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, nhất là tại LHQ và nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế khác. An-giê-ri đề nghị ta duy trì trao đổi với bạn trong Phong trào Không liên kết. Bun-ga-ri nhất trí hai bên cần tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEM, các dự án phát triển Mê-công - Đa-nuýp. Bồ Đào Nha cho rằng hai nước cần tranh thủ các cơ hội hợp tác nhiều bên tại các nước thành viên cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha.

Bun-ga-ri và Bồ Đào Nha cũng trao đổi nhiều với ta về quan hệ với Liên hiệp châu Âu (EU). Cả hai nước đều ủng hộ việc phát triển quan hệ Việt Nam - EU, ủng hộ thúc đẩy EU hoàn tất phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU để Hiệp định sớm đi vào cuộc sống. Cả Bun-ga-ri và Bồ Đào Nha đều là những nước đã sớm phê chuẩn Hiệp định này, ủng hộ sớm hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.

Đặc biệt, trong tiếp xúc song phương ở Ca-dắc-xtan và tại trao đổi ở An-giê-ri, Bồ Đào Nha, Bun-ga-ri, các nước đều chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp quy mô lớn, xây dựng nhiều công trình, kể cả công trình quân sự tại các đảo đá tại Trường Sa; chia sẻ quan điểm cần duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; ủng hộ việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

PV: Xin Thứ trưởng cho biết các trọng tâm chúng ta cần thực hiện thời gian tới để triển khai hiệu quả kết quả đạt được trong chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Chúng ta có kết quả, cả về liên kết kinh tế đa phương và về quan hệ hợp tác song phương. Đối với FTA ký với Liên minh Kinh tế Á - Âu, chúng ta cần đẩy nhanh các bước chuẩn bị, nhanh chóng xây dựng chiến lược, kế hoạch hợp tác, kinh doanh để tranh thủ cơ hội do FTA mang lại nhằm mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, FTA là cơ hội, nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề... để tạo được sức mạnh tập thể, biến thách thức thành cơ hội.

Với các mối quan hệ song phương rõ ràng là đang có một làn gió mới, một đòi hỏi mới, một yêu cầu mới về chất lượng và mức độ hợp tác cao hơn, nhưng cũng phải thiết thực và hiệu quả hơn. Đó là nhiệm vụ của tất cả các bộ, ngành đầu mối trong từng lĩnh vực để làm sao cụ thể hóa các định hướng mà lãnh đạo ta và lãnh đạo các nước đã thỏa thuận; xác định ưu tiên, trọng điểm; huy động nguồn lực cần thiết để triển khai nhanh chóng các mối quan hệ hợp tác. Các đối tác mong đợi ở chúng ta rất nhiều và đánh giá cao khả năng của chúng ta. Chúng ta hãy thể hiện là những đối tác đáng tin cậy và là những đối tác lâu dài./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com