Chính phủ triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2015

09:06, 30/06/2015

Ngày 29-6-2015, tại Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 cùng một số nội dung khác. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí thành viên Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị về phía đầu cầu tỉnh ta có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngô Gia Tự, Giám đốc Sở KH và ĐT; Đại tá Nguyễn Hải Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Viết Hưng, Trần Lê Đoài, Bạch Ngọc Chiến; các thành viên UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương nghiêm túc triển khai các nghị quyết của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2015, các nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; phát triển khoa học công nghệ, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại… Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp. CPI tháng 6 tăng 0,35% so với tháng 5 do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, thời tiết nắng nóng, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng… So với cuối năm 2014, CPI tháng 6 tăng 0,55%. So với cùng kỳ năm 2014, CPI tháng 6 tăng 1%, bình quân 6 tháng tăng 0,86%; lạm phát bình quân 6 tháng tăng 2,24%. Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,09%. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 4,58%. Tính đến ngày 19-6, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,28% so với cuối năm 2014, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Trong tháng 6, lãi suất huy động của một số tổ chức tín dụng có dấu hiệu tăng trở lại khoảng 0,2-0,5%... Tổng thu NSNN lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49%, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014. Tiến độ thu NSNN đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do thu từ dầu thô đạt thấp do giá dầu giảm mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng ước thực hiện đạt 553,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP tăng 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 2,36%, thấp hơn mức tăng 2,96% của cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu tiếp tục tăng nhưng tăng thấp hơn cùng kỳ, trong đó xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước giảm; nhập khẩu tăng cao. Trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,75 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014. Số doanh nghiệp và số vốn đăng ký thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ; số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể giảm. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Công tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được duy trì. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông đạt kết quả tích cực, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tăng trưởng khu vực nông nghiệp và thủy sản đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014; xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm; kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao…

Từ nay đến cuối năm để đạt được những mục tiêu đã đề ra, các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2015. Cụ thể, về sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, đi đôi với các biện pháp cấp bách trước mắt ứng phó với diễn biến bất thường và khắc nghiệt của thời tiết cần tăng cường tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; đồng thời nghiên cứu các giải pháp đổi mới trong sản xuất nông nghiệp để tương thích với các điều kiện của sản xuất quy mô lớn và hội nhập quốc tế, tận dụng tốt các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Tập trung thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu. Tăng cường công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21-4-2015. Tập trung công tác quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu; triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN, trái phiếu Chính phủ, giải ngân vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thành phần kinh tế khác để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững. Tiếp tục điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá theo hướng ổn định, linh hoạt. Chủ động nắm bắt tình hình diễn biến trên Biển Đông. Chú trọng thực hiện tốt các chính sách về việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ KH và ĐT báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; lãnh đạo Bộ Nội vụ báo cáo công tác cải cách hành chính quý II-2015; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng quý II-2015… Tiếp đó đại diện các tỉnh, thành phố phát biểu thảo luận, nêu ý kiến đề xuất. Các đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan Trung ương phát biểu giải đáp, làm rõ các đề xuất, kiến nghị của các tỉnh, thành phố liên quan đến phạm vi quản lý của bộ, ngành, lĩnh vực mình quản lý và các báo cáo được trình bày tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Trong 6 tháng đầu năm 2015 kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục phát triển ổn định, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Các lĩnh vực kinh tế: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, thu ngân sách, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng… đều có bước tăng trưởng khá. Như vậy từ nay đến cuối năm 2015 nếu không có sự thay đổi đột biến thì khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước 6,28% là hoàn toàn khả thi. Sau khi chỉ ra một số hạn chế, yếu kém của nền kinh tế đất nước như: Tình trạng nhập siêu còn cao, số lượng khách du lịch vào Việt Nam còn ít, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, cải cách hành chính còn nhiều vướng mắc… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục bám sát các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu đạt và vượt kế hoạch tăng trưởng GDP của cả nước năm 2015 theo kế hoạch đã đề ra. Tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư. Chú trọng đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tập trung nâng cao đời sống nhân dân, nhất là bà con vùng khó khăn, trước mắt hỗ trợ kịp thời đối với đồng bào vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, giúp người dân sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Tiếp tục nỗ lực giảm thiểu tình trạng quá tải về y tế… Bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao vị thế của đất nước./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com