Sáng 24-6, Tổng cục Thống kê (Bộ KH và ĐT) đã tổ chức họp báo công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó, CPI tháng 6-2015 của cả nước tăng 0,35% so với tháng trước đó. Tính bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2015 tăng 0,86% so với cùng kỳ năm 2014.
Phân tích về CPI tháng 6-2015 tăng, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, có 4 yếu tố đẩy CPI tháng 6-2015 tăng, đó là:
Thứ nhất, giá xăng được điều chỉnh vào ngày 20-5-2015 ở mức tăng thêm 1.200 đồng/lít (tăng 6,2%), giá dầu diesel được điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức tăng là 640 đồng/lít (tăng 3,9%). Giá xăng góp phần tăng CPI chung của tháng 6 khoảng 0,3%.
Thứ hai, giá dịch vụ y tế Thành phố Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng từ 1-6-2015, làm chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,43% so với tháng trước, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,02%.
Thứ ba, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng lên làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,52%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,04%.
Thứ tư, tháng 6 là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 1,12% so với tháng trước.
Ngoài ra, việc lương tối thiểu vùng điều chỉnh tăng làm nhu cầu về dịch vụ đối với công chức tăng và việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 2 lần từ đầu năm cũng góp phần thúc đẩy giá hàng hóa.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định, CPI 6 tháng đầu năm 2015 đang ở mức thấp nên góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính phủ và một số bộ cũng cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan toả về mặt tâm lý lên CPI.
Nhân dịp này, Tổng cục Thống kê cũng công bố chỉ số lạm phát cơ bản tháng 6-2015 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 0,21% so với cùng kỳ 2014; 6 tháng đầu năm 2015 tăng 2,24% so với cùng kỳ 2014. Chỉ số này cho thấy Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ khá ổn định. Tuy nhiên, từ cuối 2014 đến tháng 3-2015 do giá nhiên liệu thế giới giảm mạnh nên giá nhiên liệu trong nước được điều chỉnh giảm tới 21,49% (so với tháng 12-2014). Do đó, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm 2015 có mức tăng cao hơn lạm phát chung (lạm phát chung tăng 0,86% so với cùng kỳ 2014)./.
Theo SGGP