Ngày 26-5-2015, tại CLB Vị Hoàng (TP Nam Định), UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2015. Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành: Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, TN và MT, Công thương, KH và ĐT, Tài chính, NN và PTNT, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh, Chi cục Hải quan Nam Định; đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nam Định; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cùng 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2014 Chi nhánh NHNN tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố và gần 400 doanh nghiệp. Tại hội nghị đã có nhiều hợp đồng tín dụng được ký kết với tổng giá trị 1.364 tỷ đồng. Thực hiện chương trình, UBND huyện Hải Hậu đã phối hợp với Chi nhánh NHNN tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp; đã có 4 hợp đồng tín dụng được ký kết với tổng trị giá 8 tỷ đồng.
Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Chi nhánh NHNN tỉnh cũng đã triển khai các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bao gồm: Chương trình cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản; chương trình cho vay thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay hỗ trợ đối với nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ; chính sách tín dụng tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên giảm dần từ 14%/năm từ tháng 5-2012 đến tháng 10-2014 còn 7%. Mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở áp dụng trong năm 2014 là 6%/năm, áp dụng trong năm 2015 là 5%. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14 ngày 5-3-2014 của Chính phủ, đến tháng 1-2015 còn 6,5%/năm. Việc triển khai thực hiện chương trình đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã bước đầu giúp các ngân hàng cổ phần thương mại đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Dư nợ tín dụng được tăng trưởng, đến nay đã tăng 2.755 tỷ đồng so với thời điểm tháng 4-2014. Việc triển khai thực hiện hiệu quả chương trình đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2015, đại diện các doanh nghiệp đã trao đổi thẳng thắn và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề về thủ tục vay vốn ngân hàng, cách xác định giá trị các tài sản thế chấp, việc xác lập sổ đỏ để được cầm cố, thế chấp vay vốn ngân hàng… Đã có 9 hợp đồng tín dụng được ký kết với tổng giá trị 583 tỷ đồng. Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2015 và Tết Bính Thân năm 2016; đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những kết quả đã đạt được qua 1 năm tổ chức thực hiện chương trình đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và triển khai chương trình bình ổn thị trường đã tác động tích cực đối với nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Chương trình đã góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh nhà năm 2014 tăng thêm 9 bậc, đứng thứ 33 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn cao, đã có trên 200 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chưa cao, nguồn vốn huy động chưa được đưa ra cho các doanh nghiệp vay để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết để giảm thiểu tiếp, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay của các ngân hàng. Giao Sở Công thương, NN và PTNT chủ động phối hợp xúc tiến và hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Chú trọng hơn nữa trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông thương nghiệp thông qua việc quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại của tỉnh. Đối với các công trình có nguồn vốn Nhà nước, các doanh nghiệp phải đảm bảo đủ năng lực tài chính, khả năng thi công và chủ động làm việc với các chủ đầu tư để xem xét phối hợp. Sở Công thương chủ động tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp đến tham dự để giới thiệu về hiệp định FTA để các doanh nghiệp có thêm thông tin, sẵn sàng chuẩn bị khi hiệp định chính thức có hiệu lực. Hội đồng bình xét của tỉnh đã bình xét để cho các hộ vay vốn chương trình đóng mới tàu sắt đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ. Thực hiện Chương trình bình ổn thị trường tỉnh năm 2015 và Tết Bính Thân 2016, các doanh nghiệp tham gia chương trình cần có kế hoạch cụ thể để UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại có trách nhiệm tạo nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ngoài trụ sở doanh nghiệp như tại các KCN, các thị trấn, thị tứ./.
Văn Đại