Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Séc

08:05, 12/05/2015

Cuối giờ chiều 10-5 (theo giờ Pra-ha), tức đêm 10-5 theo giờ Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã tới sân bay Va-xláp Ha-ven bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Séc Mi-lốt Dê-man. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Cộng hòa Séc kể từ năm 1958. Chuyến thăm nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống.

Đón Chủ tịch nước và Đoàn cấp cao nước ta tại sân bay có Chánh Văn phòng Tổng thống Séc Vra-tri-xláp Mi-na, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Séc, Đại sứ Séc tại Việt Nam Mác-tin Klép-pét-cô, Thiếu tướng Rô-xti-láp Píc, Chỉ huy quân đội danh dự Phủ Tổng thống. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Séc Trương Mạnh Sơn cùng đại diện cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và kiều bào, lưu học sinh Việt Nam tại Séc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mi-lốt Dê-man duyệt đội danh dự.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mi-lốt Dê-man duyệt đội danh dự.

Ngay sau khi tới Thủ đô Pra-ha, Chủ tịch nước đã tới thăm và nói chuyện với các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại một số nước khu vực châu Âu. Thay mặt cán bộ nhân viên đại sứ quán, Đại sứ Trương Mạnh Sơn đã báo cáo một số nét chính về quan hệ hai nước và công tác của cơ quan đại diện tại Séc. Đại diện cộng đồng người Việt tại Séc và châu Âu đã báo cáo với Chủ tịch nước về đời sống và hoạt động của kiều bào, đông đảo bà con bày tỏ sự quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Đặc biệt là các vấn đề như đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phòng chống tham nhũng, chính sách thu hút sử dụng nguồn lực, chất xám của người Việt ở nước ngoài. Kiều bào cũng kiến nghị với Chủ tịch nước và các bộ, ngành xem xét tháo gỡ một số thủ tục về quốc tịch, đồng thời có giải pháp thiết thực hỗ trợ việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài…

Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, cùng tấm lòng luôn hướng về quê hương của kiều bào, Chủ tịch nước đã giải đáp cụ thể 17 vấn đề mà bà con nêu lên. Chủ tịch nước cho rằng, Cộng đồng người Việt Nam tại khu vực châu Âu là một trong những cộng đồng người Việt lớn, luôn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần cũng như vật chất, sống hữu nghị, chan hòa với nhân dân nước bạn, luôn quan tâm tới việc giáo dục thế hệ trẻ của cộng đồng người Việt tại khu vực.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ vui mừng về việc cộng đồng người Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội sở tại và là cầu nối cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam với các nước sở tại, đặc biệt là với các nước bạn truyền thống Trung Đông Âu... những việc làm đó đem lại niềm tự hào cho cộng đồng người Việt và góp phần tạo hình ảnh tốt về Việt Nam trong mắt những người dân bản xứ, nhất là tại Séc, Chính phủ đã chính thức công nhận người Việt là 1 trong 14 cộng đồng dân tộc thiểu số của Cộng hòa Séc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, phồn vinh của đất nước. Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ quán tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những biện pháp hữu hiệu nhằm góp phần tăng cường quan hệ mọi mặt với các nước; đồng thời chú trọng hơn nữa công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của ta và bạn thiết lập quan hệ, triển khai hợp tác có hiệu quả, nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại hai chiều và đầu tư của các nước tại Việt Nam.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng cộng đồng người Việt Nam tại khu vực sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển và ổn định của cộng đồng, cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh và hùng mạnh; giữ quan hệ hữu nghị và thân thiện với nhân dân nơi cư trú, tăng cường quan hệ với chính quyền địa phương, đồng thời triệt để tuân thủ luật pháp của sở tại trong việc cư trú và kinh doanh.

Trước đó, Chủ tịch nước và đoàn công tác đã tới thăm Văn phòng đại diện BIDV tại Séc và Cty IDCE Séc.

Trưa 11-5 (theo giờ Pra-ha), lễ đón Chủ tịch nước và Phu nhân đã diễn ra trọng thể tại Phủ Tổng thống.

Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Séc đầu tiên của Chủ tịch nước ta kể từ năm 1958, do đó chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ truyền thống giữa 2 nước.

Tổng thống Cộng hòa Séc Dê-man và Phu nhân đã đón Chủ tịch nước và Phu nhân tận nơi đỗ xe và dành cho Chủ tịch nước lễ đón với nghi thức cao nhất. Trong tiếng quốc ca trầm hùng, Tổng thống Dê-man mời Chủ tịch nước duyệt đội quân danh dự Cộng hòa Séc.

Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Dê-man. Trong không khí cởi mở, tin cậy và hợp tác, hai bên đã đánh giá tình hình quan hệ Việt Nam - Séc thời gian qua, trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới trên các lĩnh vực cùng quan tâm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và trọng thị mà Tổng thống Dê-man và nhân dân Séc đã dành cho đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; cảm ơn sự giúp đỡ quý báu mà Nhà nước và nhân dân Séc đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước ngày nay; khẳng định trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn truyền thống, trong đó Cộng hòa Séc là một ưu tiên.

Tổng thống Dê-man bày tỏ vui mừng được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Séc; coi đây là mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Tổng thống đánh giá cao những thành tựu to lớn về mọi mặt của Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước; khẳng định Séc coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Séc với bề dày lịch sử 65 năm đã và đang phát triển tích cực. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Dê-man thống nhất hai bên sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức trong năm 2015 các hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Séc như triển lãm ảnh, tuần phim, trao đổi đoàn nghệ thuật… nhằm tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Séc vẫn phát triển năng động; bày tỏ mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực này cần được đẩy mạnh hơn nữa để tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Dê-man thống nhất cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế Việt Nam - Séc, tăng cường trao đổi thương mại song phương, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tìm hiểu thị trường, nhất là trong các lĩnh vực mà Séc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, phương tiện vận tải công cộng, chế tạo máy móc nông nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế, vật liệu xây dựng, thuỷ tinh - pha lê, bia, chế biến thực phẩm...

Tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác GD và ĐT, lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước, cũng như trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, KH và CN, VH, TT và DL, GTVT…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn và đề nghị Séc xem xét tiếp tục cấp ODA cho một số dự án thuộc các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu như  môi trường, trồng rừng, xử lý chất thải, y tế cộng đồng, cải cách hệ thống bảo hiểm, xây dựng bệnh viện.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn lãnh đạo và các cấp chính quyền Séc đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập và sinh sống ổn định tại Séc; bày tỏ tin tưởng cộng đồng người Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tổng thống Dê-man khẳng định, với tư cách là thành viên tích cực của Liên minh châu Âu (EU), Séc ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU; thông báo Séc đã phê chuẩn Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) giữa EU và Việt Nam; cam kết sẽ thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định PCA, đồng thời hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong thời gian sớm nhất và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cùng thời điểm kết thúc đàm phán EVFTA.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Dê-man bày tỏ hài lòng về sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế, nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông và nhất trí mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, triệt để và nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Dê-man đã có cuộc gặp gỡ với báo chí./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com