Sáng 20-4, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm “Làng nghề Việt Nam - Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hiệp hội các làng nghề Việt Nam tổ chức với sự tham dự của các làng nghề, nghệ nhân 12 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2014, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề nước. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748. Các làng nghề thu hút khoảng 10 triệu lao động. Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2-3 lần, có nơi còn cao hơn nữa.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại Tọa đàm. |
Tuy nhiên, các làng nghề hiện nay đối mặt nhiều khó khăn, yếu kém như chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn thấp; thị trường hạn hẹp; đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm bồi dưỡng, phát huy đúng mức; tình trạng ô nhiễm tại làng nghề nghiêm trọng, nhiều làng nghề vẫn phải sống chung với ô nhiễm, chịu nhiều bệnh tật, tuổi thọ giảm sút. Đặc biệt, việc liên kết giữa các cơ sở, giữa các làng nghề còn rất nhiều hạn chế, chủ yếu là kinh doanh hộ gia đình, ít mô hình doanh nghiệp và HTX. Đây là một nhược điểm rất lớn của làng nghề. Nhiều hộ gia đình rất ít trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong các hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ, do đó, sản phẩm chậm cải tiến, sức cạnh tranh kém, thu nhập thấp kéo dài...
Từ thực tế trên, Hiệp hội kiến nghị xây dựng Luật Làng nghề hoặc Pháp lệnh Làng nghề để có cơ chế cho làng nghề đi lên. Để lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, nên xem xét mở rộng chức năng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững như: tiếp cận vốn tín dụng, giảm thiểu các thủ tục, tăng cường cho vay tín chấp (do hội làng nghề bảo lãnh), giảm lãi suất.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nếu không có chính sách của Nhà nước và sự nỗ lực của chính các làng nghề thì làng nghề không thể phát triển được, chỉ mãi như hiện nay với rất nhiều khó khăn cố hữu. Nhiều làng nghề có tuổi đời cả nghìn năm, “trẻ” nhất cũng 200 năm. Các làng nghề gắn với chiều dài lịch sử, tạo ra nhiều sản phẩm, tạo nhiều công ăn việc làm. Nhưng giá trị làng nghề không chỉ ở việc tạo ra việc làm, những giá trị kinh tế mà cao hơn là sản phẩm làng nghề gắn với những giá trị văn hóa tâm linh, nghệ thuật của người Việt. Giữ giá trị của văn hóa làng nghề là giữ lại giá trị văn hóa của dân tộc./.
Theo SGGP