Sáng 6-4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai công tác quản lý lợn đực giống và kiểm tra thức ăn chăn nuôi. Hội nghị do Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) tổ chức.
Hội nghị nhằm tổng kết những kết quả đạt được sau thời gian triển khai thí điểm chương trình quản lý lợn đực giống từ tháng 8 đến 11-2014 tại 4 tỉnh đại diện các vùng miền trên cả nước gồm: Phú Thọ, Nam Định, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai công tác quản lý lợn đực giống và kiểm tra thức ăn chăn nuôi. |
Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, tại các tỉnh triển khai chương trình đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý lợn đực giống. Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, do thời gian thí điểm ngắn nên chưa hoàn chỉnh được phần mềm quản lý thống nhất giữa các tỉnh; công tác đánh giá chất lượng lợn đực giống mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá chất lượng, chưa xây dựng được kế hoạch và lộ trình thay thế lợn đực giống đến từng huyện, xã. Công tác tuyên truyền còn ít nên vẫn còn tư tưởng thiếu hợp tác của các cơ sở, chủ hộ và người chăn nuôi trong quá trình kiểm tra, đánh giá.
Bởi vậy, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý lợn đực giống, theo Cục Chăn nuôi, cần thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản quản lý, kỹ thuật cho các nhà quản lý cơ sở, người chăn nuôi nhằm tự nguyện tham gia áp dụng quản lý lợn đực giống theo quy định.
Về tình hình sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu và công tác quản lý chất lượng, thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2014, cả nước có 203 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, trong đó có 142 cơ sở thuộc nhóm doanh nghiệp trong nước, 56 cơ sở thuộc nhóm doanh nghiệp nước ngoài, 5 cơ sở thuộc nhóm doanh nghiệp liên doanh. Về sản lượng thức ăn chăn nuôi theo hình thức sở hữu, sản lượng của các doanh nghiệp trong nước đạt 5.889 nghìn tấn, chiếm 40,8%, sản lượng của các doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh đạt 8.562 nghìn tấn.
Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất với kế hoạch triển khai công tác về thức ăn chăn nuôi trong năm 2015, trong đó, đối tượng kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp có quy mô vừa, nhỏ, cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung, cơ sở xếp loại C, các cơ sở không có địa chỉ rõ ràng. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có biện pháp đình chỉ sản xuất, kinh doanh và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở sử dụng chất cấm; các cơ sở cố tình không khắc phục qua 2 lần kiểm tra, đánh giá.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, nhằm triển khai công tác về thức ăn chăn nuôi hiệu quả, cần phát huy tối đa vai trò của nhân dân, các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia vào việc tố giác, tẩy chay hành vi vi phạm về chất cấm, kháng sinh tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của chất cấm, tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, phát động các phong trào thi đua trong Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân. Tổ chức kiểm tra thức ăn chăn nuôi đồng bộ ở các khâu từ sản xuất, kinh doanh đến sử dụng và xem là hoạt động thường xuyên; tăng cường kiểm tra đột xuất, không thông báo trước đối với cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi./.
Theo dangcongsan.vn