Theo Sở NN và PTNT, bệnh đạo ôn lá vụ xuân 2015 đã xuất hiện trên các giống lúa nhiễm bệnh như: BC15, Lưỡng Quảng 164, Q5, Nếp và BT7 ở một số xã thuộc các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Tỷ lệ bệnh trung bình từ 1-5% lá lúa, nơi cao 7-10% lá lúa, cục bộ có ổ bệnh còn gây ra hiện tượng lúa bị lụi.
Ảnh minh hoạ/Internet. |
Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT đã có Văn bản số 51/TB-SNN đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trạm BVTV, Trạm Khuyến nông, Ban Nông nghiệp xã tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên lúa xuân. Trong đó tăng cường tuyên truyền để các hộ nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời những diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá. Đối với những diện tích nhiễm bệnh phải ngừng bón đạm, không phun thuốc kích thích sinh trưởng và phân bón qua lá. Tranh thủ thời tiết tạnh ráo phun thuốc đặc hiệu trừ bệnh ngay khi bệnh chớm xuất hiện và những đồng ruộng đã phun thuốc có vết cấp tính xuất hiện trở lại. Sử dụng các thuốc đặc trị bệnh như: Beam 75 WP, Bump 650 WP, Kabim 30WP, Filia 525 SE, Kasai-S92SC, Bankan 600 WP, Fujibem 777 WP… Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, xác định tình trạng của bệnh. Sau phun 5-7 ngày còn vết bệnh cấp tính phải phun lại. Cần lưu ý đối với những ruộng bị nặng nên ngắt bỏ lá bệnh đem đi tiêu hủy trước khi phun và phun lại sau 5 ngày. Không sử dụng các loại thuốc chỉ chứa 1 loại hoạt chất Isoprothiolane như: Fujione, Karaone, Futrangone… để phòng trừ bệnh vì hiệu lực kém. Tuyệt đối không pha trộn hỗn hợp với các thuốc thuộc nhóm Pyrethroid như: Fastac, Fastox, Altach… để trừ bọ xít, bọ trĩ, dòi đục lá…, tránh gây bộc phát rầy cuối vụ và ô nhiễm môi trường. Trong thời gian sau phun 4 giờ nếu gặp mưa phải phun lại. Tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng thuốc BVTV, chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh thuốc BVTV chỉ cung ứng những loại thuốc theo đúng hướng dẫn của Chi cục BVTV; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.
Ngọc Ánh