Sáng 10-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc tăng thuế suất bảo vệ môi trường với một số mặt hàng, trong đó có xăng, dầu.
Theo đó, thuế suất với xăng, trừ etanol, sẽ tăng thành 3.000 đồng/lít, thuế suất với nhiên liệu bay sẽ là 3.000 đồng/lít, thuế suất với dầu diezel sẽ là 1.500 đồng/lít, thuế suất với dầu mazut sẽ là 900 đồng/lít, thuế suất với dầu nhờn là 900 đồng/lít, thuế suất với mỡ nhờn là 900 đồng/lít.
Trước đó, cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14-7-2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, đây là thuế thu để bảo vệ môi trường, nên ngân sách thu được không được dùng vào việc khác, không được bù thu cho khoản giảm thu từ việc điều chỉnh giảm thuế xuất - nhập khẩu, chỉ được dùng để bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, môi trường đang “lôi thôi” như thế, có “ném” vào mấy chục nghìn tỷ “cũng không ăn thua gì”. Do vậy, không nên bàn về việc thay đổi tỷ lệ điều tiết giữa Trung ương và địa phương.
Trong khi đó, theo đề nghị của Chính phủ, 100% khoản tăng thu từ việc điều chỉnh biểu thuế suất thuế bảo vệ môi trường sẽ được điều tiết về ngân sách Trung ương.
Ảnh minh hoạ/Internet |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị làm rõ sự tác động của việc điều chỉnh biểu thuế bảo vệ môi trường đến doanh nghiệp, người dân và xã hội, biểu thuế của Việt Nam nếu điều chỉnh thì có tương đồng với mặt bằng thuế suất chung trong ASEAN hay không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ băn khoăn về việc tăng thuế suất một lúc quá cao, có mặt hàng tăng tới 300%, thì có hợp lý hay không?
Trước băn khoăn của một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường sẽ được tiến hành song song với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu, do vậy sẽ không ảnh hưởng đến giá xăng, dầu trong nước.
Cụ thể, theo cam kết ASEAN, thuế nhập khẩu xăng, dầu của Việt Nam sẽ giảm từ 35% xuống còn 25%, khoản điều chỉnh giảm này thấp hơn khoản điều chỉnh tăng thuế suất bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít. Do vậy, nếu tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng thì giá xăng không những không tăng, mà còn có thể giảm.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, do thuế suất thuế bảo vệ môi trường của Việt Nam hiện đang thấp hơn các nước trong ASEAN nên các nhà cung cấp xăng, dầu có dấu hiệu ép giá, bán xăng, dầu cho Việt Nam cao hơn giá mặt bằng chung của ASEAN. Bởi thế, khoản chênh lệch này đáng lẽ Việt Nam thu được thì các nhà cung cấp xăng, dầu lại được hưởng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ sự đồng tình với đề nghị của Chính phủ và cho hay, đa số thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đồng tình với đề nghị này.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, nếu Việt Nam không tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng thành 3.000 đồng/lít thì sẽ có “khoảng trống” về lợi tức. Trong “nền kinh tế phẳng” toàn cầu hiện nay, mặt bằng giá cả thường không có sự chênh lệch nhiều. Do vậy, nếu có “khoảng trống” về lợi tức như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xăng, dầu cho Việt Nam sẽ được hưởng. Việc tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường, bởi thế, quan trọng nhất vẫn là nhằm bảo đảm về giá cả, quan hệ thị trường và tăng nguồn lực bảo vệ môi trường.
Trước những lý giải như vậy, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề nghị của Chính phủ và thông qua việc tăng thuế suất bảo vệ môi trường với một số mặt hàng, trừ mặt hàng dầu hỏa được giữ nguyên mức thuế suất cũ, đồng thời không thay đổi tỷ lệ điều tiết giữa Trung ương và địa phương với khoản thuế tăng thêm từ việc điều chỉnh tăng thuế suất bảo vệ môi trường.
Chiều 10-3, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán với nội dung sửa đổi, bổ sung được thể hiện trong 21 điều.
Liên quan đến các hành vi bị cấm, dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung một số hành vi khác như cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán; lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên; hành nghề dịch vụ kế toán mà không đăng ký. Một nội dung mới khác có liên quan đến chứng từ điện tử và lưu trữ sổ kế toán, theo đó Chính phủ đề xuất sửa đổi nội dung: cho phép chứng từ, sổ kế toán được lưu trữ trên các phương tiện điện tử nhưng phải đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin và tiện dụng trong việc tra cứu trong quá trình lưu giữ. Về việc tăng cường tính công khai, minh bạch, do một số Luật chuyên ngành, như: Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán cũng có quy định cụ thể đối tượng, nội dung, hình thức công khai báo cáo tài chính do tính chất đặc thù, nên dự thảo Luật đã bổ sung thêm quy định (khoản 5 Điều 33) về việc thực hiện theo pháp luật chuyên ngành đối với báo cáo tài chính và công khai báo cáo tài chính.
Về cung cấp dịch vụ kế toán, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ về điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp và cá nhân. Cụ thể, để được cung cấp dịch vụ kế toán, doanh nghiệp phải có ít nhất 3 người là kế toán viên hành nghề, trong đó Giám đốc doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là kế toán viên hành nghề. Quy định doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có ít nhất 3 kế toán viên hành nghề để nâng cao điều kiện hoạt động doanh nghiệp dịch vụ kế toán hướng đến mục tiêu làm cho quy mô doanh nghiệp đủ lớn, có điều kiện đầu tư công nghệ, kỹ thuật dịch vụ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ cung cấp để giảm rủi ro nghề nghiệp.
Doanh nghiệp được hoạt động dưới hình thức Cty hợp danh, Cty tư nhân và Cty TNHH hai thành viên trở lên (tương tự như đối với doanh nghiệp kiểm toán độc lập). Riêng đối với loại hình Cty TNHH hai thành viên trở lên có quy định phần vốn góp của những người là kế toán viên hành nghề kế toán làm việc trong doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ, phần vốn góp của thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5-2015 và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10-2015. Để bảo đảm thời gian tổ chức hướng dẫn thi hành luật, Chính phủ đề nghị thời điểm hiệu lực thi hành luật từ ngày 1-7-2016./.
Theo qdnd.vn