Dự kiến nêu trên nhận được sự đồng tình của đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36, sáng 16-3. Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong 29 ngày, trong đó có 3/5 ngày thứ bảy; họp trù bị và khai mạc vào thứ tư, ngày 20-5; bế mạc vào thứ tư, ngày 24-6.
Dự kiến, chương trình chi tiết kỳ họp thứ chín được bố trí như thông lệ; đồng thời, tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp trước như ghép việc trình bày các tờ trình, báo cáo, thông qua luật, nghị quyết cùng với thảo luận tại hội trường, bố trí thảo luận cùng buổi hoặc gần nhau đối với những nội dung có liên quan với nhau; bố trí 2 dự án/buổi thảo luận ở tổ và 1 dự án/buổi thảo luận ở hội trường; riêng một số dự án quan trọng như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ bố trí 1 dự án/buổi thảo luận ở tổ và 1 dự án/ngày thảo luận ở hội trường.
Tại phiên họp thứ 35, sau khi cho ý kiến về nội dung chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản nhất trí và đề nghị Chính phủ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu bổ sung làm rõ những vấn đề đặt ra tại phiên họp, chuẩn bị hồ sơ bảo đảm đúng quy trình, chất lượng và tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín. Trong dự kiến chương trình chi tiết đã bố trí trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 35, dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến 2 lần trước khi trình xem xét, thông qua vào khoảng cuối kỳ họp. Trong dự kiến chương trình đã bố trí trình dự án Luật này vào đầu kỳ họp (sáng 22-5) để có thời gian cho các cơ quan tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 (sáng ngày 4-6); trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua (sáng ngày 22-6).
Đến nay, cả 13 dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ chín đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại các phiên họp thứ 33, 34, 35, 36 cùng dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016.
4 dự án Luật đã được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội. Các dự án còn lại đang được tích cực hoàn thiện để gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Đối với 15 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 10 dự án tại các phiên họp 33, 34, 35, 36. Các dự án còn lại dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp sau.
“Với tiến độ như vậy, nếu các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện thì có thể gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, thảo luận trước tại địa phương đúng thời gian theo quy định, 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói./.
Theo SGGP