Ngày 6-3-2015, Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH và CN) công lập. Các đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phan Xuân Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH và CN chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức KH và CN và một số nhà khoa học trong toàn quốc. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đại diện Văn phòng UBND tỉnh; các sở: KH và CN, KH và ĐT, Nội vụ, Tài chính và các tổ chức hoạt động KHCN công lập.
Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH và CN công lập trong toàn quốc được Chính phủ quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5-9-2005. Theo đó các tổ chức KH và CN công lập trong toàn quốc phải có trách nhiệm tự chủ về tài chính, tài sản, tổ chức và nhân sự nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính năng động sáng tạo; điều kiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao hiệu quả của các tổ chức KH và CN. Thời điểm kết thúc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ là hết năm 2013, tuy nhiên đến nay, toàn quốc vẫn còn 154 tổ chức (chiếm 24% tổng số tổ chức KH và CN trên toàn quốc) chưa chuyển đổi cơ chế hoạt động theo quy định. Thậm chí nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt được tổ chức KH và CN nào phải chuyển sang cơ chế tự chủ theo tinh thần Nghị định 115. Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều khẳng định Nghị định 115 đã giao quyền tự chủ cho các tổ chức KH và CN công lập góp phần phát huy hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng KH và CN vào phục vụ cuộc sống. Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân tồn tại khiến một lượng lớn cơ sở KH và CN chưa mạnh dạn chuyển đổi; chuyển đổi chưa triệt để và hiệu quả chuyển đổi ở một số tổ chức KH và CN chưa cao. Nguyên nhân chính được xác định là do nhiều cơ quan quản lý chưa nhận thức đầy đủ các nội dung đổi mới của Nghị định cũng như chậm đổi mới tư duy trong việc triển khai thực hiện Nghị định này; các tổ chức KH và CN chưa hiểu đúng bản chất của Nghị định 115 nên lúng túng trong việc định hướng hoạt động sau chuyển đổi, định giá tài sản, cơ sở vật chất và chế độ chính sách đối với những lao động hiện có tại các tổ chức KH và CN… Tại tỉnh ta có 10 đơn vị đăng ký tổ chức hoạt động KH và CN, trong đó có 2 đơn vị là Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN (Sở KH và CN); Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN cùng trực thuộc Sở KH và CN phải chuyển đổi theo tinh thần Nghị định 115. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, năm 2013, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động đối với 2 đơn vị này. Đồng thời quyết định thành lập mới Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoạt động theo cơ chế Nghị định 115. Đối với 2 đơn vị đã phê duyệt chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, Sở KH và CN giao cho các đơn vị thực hiện chế độ tự chủ tự chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động ở cả 3 vấn đề lớn là tài chính, hình thức tổ chức và nhân sự. Các đơn vị đã phát huy thế mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ, chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH và CN ở cấp tỉnh và cấp Trung ương. Tuy nhiên, giống như các tổ chức KH và CN khác trong toàn quốc, các đơn vị này cũng gặp nhiều khó khăn về cơ chế, tài chính và bố trí nhân lực trong quá trình chuyển đổi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã biểu dương những đơn vị nỗ lực đạt được nhiều kết quả sau khi chuyển đổi cơ chế hoạt động theo Nghị định 115 và khẳng định còn nhiều khó khăn cho các tổ chức trong quá trình chuyển đổi. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ bản chất của Nghị định 115 để chủ động lựa chọn phương án chuyển đổi cơ chế hoạt động. Bộ KH và CN cùng với các bộ: Tài chính, Nội vụ ghi nhận những kiến nghị của đại diện các tổ chức KH và CN để cùng bàn bạc, thống nhất phương án hỗ trợ, giải quyết. Đặc biệt là những khó khăn về tài chính và nhân sự sau chuyển đổi. Các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo các tổ chức KH và CN trực thuộc phải khẩn trương hoàn tất chuyển đổi cơ chế hoạt động theo Nghị định 115 và quan tâm hỗ trợ các tổ chức tháo gỡ mọi vướng mắc gặp phải trong quá trình chuyển đổi. UBND các địa phương quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí và rà soát lại tình hình thực tế tại địa phương, giúp các tổ chức KH và CN chuyển đổi thành công… Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc những đơn vị cố tình không thực hiện chuyển đổi hoạt động theo kế hoạch đã đề ra. Phấn đấu 100% các tổ KH và CN công lập trên toàn quốc hoàn thiện mô hình chuyển đổi trong năm 2015./.
Nguyễn Hương