Ngày 28-3-2015, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) và TKCN năm 2014, triển khai nhiệm vụ PCTT và TKCN năm 2015. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta, có đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà.
Hội nghị đã ra mắt Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT với 32 thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan thay thế cho Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương trước đây, cùng với Cục PCTT (cơ quan chuyên môn thuộc Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN và PTNT) theo tinh thần Luật PCTT mới ban hành.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Thiên tai năm 2014 đã làm 133 người chết và mất tích; 145 người bị thương; 1.985 nhà đổ, sập, trôi; 42.758 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 230.086ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất, đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở bồi lấp… ước tính thiệt hại khoảng 2.830 tỷ đồng. Trong điều kiện kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vẫn luôn dành sự ưu tiên cao đối với công tác PCLB. Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ địa phương, các bộ, ngành bị ảnh hưởng bởi thiên tai với tổng kinh phí 1.538,9 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo, 1.400 tấn lúa giống, 267 tấn ngô giống, 17,7 tấn hạt giống rau các loại… Công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai ở Trung ương và địa phương được phối hợp chặt chẽ, đã chủ động triển khai phòng ngừa, tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, chính quyền, cơ quan các cấp ở địa phương đã tập trung tinh thần cao độ, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và các bộ, ngành liên quan, phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Bộ Quốc phòng đã huy động 85.034 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả; 1.213 phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển; tìm kiếm cứu nạn 1.200 vụ, với 1.194 người và 65 phương tiện; hướng dẫn kêu gọi 350.830 lượt phương tiện, với 1.466.335 người biết diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm để chủ động vào nơi trú tránh an toàn; tổ chức sơ tán 21.284 hộ ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn… Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Khi có lũ bão, một số địa phương, đặc biệt ở cấp huyện, xã triển khai chưa quyết liệt. Công tác tổ chức chằng néo nhà cửa chưa kịp thời và hiệu quả. Phương án PCTT ở một số nơi còn mang tính hình thức. Công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là ở cấp huyện, xã chưa được quan tâm đúng mức... Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2015, bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ yếu hơn so với trung bình nhiều năm cả tần suất và cường độ. Dự báo, sẽ có khoảng 9-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Triển khai nhiệm PCTT và TKCN năm 2015, nhiều đại biểu cho rằng, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư, đồng thời rà soát Chiến lược quốc gia PCTT trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc thực hiện Luật PCTT và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Triển khai hiệu quả đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghiên cứu cơ chế chính sách huy động nguồn lực trong cộng đồng tham gia công tác PCTT, TKCN, bảo hiểm rủi ro, thiên tai; xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về làng, xã an toàn trước thiên tai.
Tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo về ứng phó vụ xuân ấm 2015, tỉnh đã chỉ đạo và triển khai vụ xuân muộn. Đối với những vùng nhiễm mặn, ảnh hưởng của hạn, cần tăng tỷ lệ trồng lúa lai để tăng khả năng chống chịu; các vùng khác vẫn chủ yếu cấy lúa thuần chất lượng cao để tăng giá trị thu nhập cho nông dân. Đến thời điểm này lúa sinh trưởng, phát triển tốt và tỉnh đang chuẩn bị rút nước lộ ruộng sau 10-4, sau 20-4 đưa nước trở lại ruộng; đối với chân ruộng cao, ảnh hưởng chua mặn không rút nước lộ ruộng mà đắp bờ, khoanh vùng giữ nước. Hiện tỉnh đang chỉ đạo tăng cường giám sát, phòng trừ sâu bệnh trên lúa. Về ứng phó với siêu bão và bão mạnh, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng các phương án ứng phó với siêu bão; đồng thời giao Sở NN và PTNT chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu với tỉnh xây dựng phương án ứng phó siêu bão. Tỉnh cũng đã giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì thành lập đoàn thanh tra công tác PCLB ở các huyện, thành phố. Tỉnh đã thành lập đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra việc xây dựng công tác ứng phó với siêu bão tại các huyện, thành phố. Qua kiểm tra, tỉnh còn một số tồn tại và kiến nghị. Hiện tỉnh vẫn chưa nhận được bản đồ ngập lụt trong tình huống bão mạnh, siêu bão, đặc biệt đúng thời điểm triều cường nên tỉnh chỉ đạo các huyện xây dựng phương án ứng phó với siêu bão, đặc biệt với các huyện ven biển mới chỉ dự kiến vùng ngập lụt sâu để lập phương án di dời dân. Tỉnh đề nghị Bộ NN và PTNT chỉ đạo sớm cung cấp cho tỉnh về bản đồ ngập lụt sâu do bão mạnh, siêu bão kết hợp với triều cường. Hiện nay, các địa điểm di dời dân tập trung ở vùng dự kiến ngập lụt sâu là cơ quan, trường học…; các khu vực neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão theo đánh giá những công trình di dời, khu vực neo đậu chỉ an toàn với bão bình thường đến cấp 12, khả năng không chịu được bão mạnh, siêu bão. Đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn, đánh giá, phân loại các công trình, khu neo đậu có khả năng đảm bảo được việc bố trí các địa điểm di dời dân; tàu thuyền tránh, trú trong trường hợp có bão mạnh, siêu bão. Đến nay, tỉnh vẫn chưa hoàn thành được chương trình nâng cấp đê sông, đê biển trong đó có 9 điểm kè sông xung yếu cần xử lý khẩn cấp. Tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho tỉnh hoàn chỉnh các chương trình nâng cấp đê sông, đê biển, đặc biệt trước mắt xử lý các điểm xung yếu khẩn cấp. Các tuyến đê biển hiện nay tuy đã được cải tạo nâng cấp nhưng chưa tính được trong điều kiện bão mạnh và siêu bão, tỉnh đề nghị Bộ NN và PTNT hướng dẫn phương án hộ đê đối với tuyến đê biển trong trường hợp xảy ra bão mạnh, siêu bão. Đề nghị Ủy ban Quốc gia TKCN, Chính phủ quan tâm, tăng cường thêm phương tiện TKCN trên biển cho tỉnh.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương các bộ, ngành Trung ương, địa phương cũng như nhân dân các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong năm 2014. Phó Thủ tướng cho rằng, công tác ứng phó, PCTT còn nhiều hạn chế như: hệ thống quan trắc, dự báo còn chưa đáp ứng nhu cầu; tiến độ đầu tư thực hiện công trình phòng chống thiên tai còn chậm. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật về đê điều chưa được khắc phục; tình trạng khai thác cát bừa bãi vẫn còn xảy ra. Các địa phương cần rà soát hình thái thiên tai ở địa phương mình để có giải pháp phòng, chống thiên tai tổng thể, thực hiện tốt Luật PCTT; tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo PCTT ở địa phương; rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, nâng cấp đê sông, đê biển, đảm bảo an toàn hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền. Đối với công tác phòng, chống hạn, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt, đầu tư khẩn cấp cho vùng thiếu nước. Chú trọng công tác tuyên truyền, tiếp tục triển khai hiệu quả đề án nâng cao nhận thức cộng đồng góp phần thực hiện tốt công tác PCTT và TKCN trong năm 2015./.
Ngọc Ánh