Ngày 19-1 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức hội thảo "Nhà báo Hoàng Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam" với sự tham dự của các nhà báo lão thành, thân nhân gia đình nhà báo Hoàng Tùng...
Sự kiện này nằm trong chương trình hành động toàn khóa của BCH Hội Nhà báo Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-2015), 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2015) và kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhà báo Hoàng Tùng (14-1-1920 - 14-1-2015).
Đây là lần thứ 3, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo về các nhà báo nguyên là lãnh đạo cao cấp của Hội. Thông qua hội thảo, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn tạo diễn đàn để các nhân chứng, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực gặp gỡ, trao đổi về lịch sử báo chí Việt Nam, tri ân và tưởng niệm các nhà báo tiền bối đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Việc làm này cũng góp phần thiết thực triển khai việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử về truyền thống của ngành báo chí, các nhà báo trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đóng góp vào Bảo tàng báo chí Việt Nam; giáo dục, bồi dưỡng cho các nhà báo trẻ.
Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Khi mới 17 tuổi, đồng chí Hoàng Tùng đã tham gia hoạt động cách mạng, trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng, ông đã đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng. Nhưng quãng thời gian dài nhất, ghi nhiều dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Tùng là 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và gần 30 năm là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng chí Hoàng Tùng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, nhất là trên lĩnh vực lý luận, văn hóa, báo chí tuyên truyền. Ông là nhà báo bậc thầy, là cây đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông đã viết hàng nghìn bài báo, hầu hết là các bài xã luận, bình luận mang hơi thở nóng bỏng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những bài viết của ông hừng hực chất lửa, đanh thép, sắc sảo và lay động lòng người bởi lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc, có dấu ấn riêng. Suốt hàng chục năm trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các bài xã luận trên báo Đảng thực sự là tiếng kèn xung trận bởi tính sắc bén, kịp thời và sinh động. Nhà báo Hoàng Tùng luôn xuất hiện ở thời điểm mang tính lịch sử, ông là nhân chứng lịch sử, người viết lịch sử bằng các tác phẩm chính luận... đồng thời góp phần vào sự phát triển của lịch sử bằng chính ngòi bút chiến đấu của mình, của tờ báo mà ông là người lãnh đạo cao nhất.
Đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định: Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa, báo chí, nhà báo Hoàng Tùng được các thế hệ nhà báo vinh danh là nhà báo tầm cao, nhà báo bậc thầy, là cây đại thụ của làng báo cách mạng nước ta. Đồng chí không chỉ là cây bút chính luận tài ba, sắc sảo, bản lĩnh hàng đầu trong làng báo, mà còn là nhà quản lý báo chí, lãnh đạo báo chí tài ba. Ông là người thầy nghiêm khắc nhưng thân tình, ân cần với các thế hệ nhà báo trẻ...
Phát hiện các nhân tố mới, nhân rộng điển hình tiên tiến là cách làm truyền thống, mang lại nhiều thành quả cho báo chí cách mạng nước ta. Nhà báo lão thành Hà Đăng cho biết: Nhà báo Hoàng Tùng đã chỉ đạo cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân đi vào cuộc sống, viết về các nhân tố mới, điển hình mới, từ đó phát hiện sớm những nhân tố đầu tiên của đổi mới. Vào những thời điểm có tính bước ngoặt, nhà báo Hoàng Tùng đã xông thẳng vào những vấn đề đang còn nhiều tranh cãi, chưa ngã ngũ. Điển hình là vào năm 1979, khi nhân dân tìm cách bung ra sản xuất, trong xã hội và Đảng ta đang le lói những ánh nắng đổi mới đầu tiên, cũng là lúc diễn ra tranh cãi gay gắt về phương thức tiến lên, nhà báo Hoàng Tùng đã viết liền hai bài xã luận đăng trên Báo Nhân Dân "Nhiệt tình cách mạng và quy luật khách quan" và "Động lực tinh thần và lợi ích vật chất" gây chấn động dư luận. Ông cũng là "nhạc trưởng" tài ba của Báo Nhân Dân, người lĩnh xướng dàn đồng ca báo chí cách mạng nước nhà. Báo Nhân Dân với sự tiếp sức của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng đã sôi nổi cổ vũ nhiều phong trào hành động cách mạng như thanh niên "Ba sẵn sàng"; phụ nữ "Ba đảm đang"; "Đại phong" trong nông nghiệp; "Duyên hải" trong công nghiệp, "Ba nhất" trong quân đội...
Nhớ về nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh: Nhà báo Hoàng Tùng là cây bút bình luận sắc sảo, là Tổng biên tập nhạy cảm, có nhiều sáng kiến và tinh thần trách nhiệm cao trong chỉ đạo nội dung tờ báo. Nhà báo Hoàng Tùng là thầy nghề sắc sảo, công việc của Tổng Biên tập rất nhiều nhưng ông vẫn trực tiếp viết nhiều bình luận quan trọng, trực tiếp chữa các bài bình luận, xã luận, phóng sự điều tra rất chu đáo... Ông thực sự là "bà đỡ" cho các tài năng trẻ, là người có công lớn trong xây dựng đội ngũ những người làm Báo Nhân Dân. Nhà báo Phan Quang khẳng định: Những thành tựu, cống hiến của nhà báo Hoàng Tùng trong hơn 60 năm cầm bút là tổng hòa sự chỉ đạo của Đảng và tài năng, cá tính của một cán bộ cách mạng. Ông là linh hồn của Báo Nhân Dân từ năm 1951 cho đến đầu năm 1987. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bản lĩnh, tài năng của nhà báo Hoàng Tùng và nỗ lực không ngừng của một tập thể hùng hậu đã đưa Báo Nhân Dân thực sự trở thành ngọn cờ đầu của báo chí cách mạng Việt Nam...
Theo Nhân dân