Ngày 12-11 tại Trung tâm hội nghị quốc tế Mi-an-ma ở Thủ đô Nây-pi-đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN tham dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25. Đây là hội nghị quan trọng đối với tương lai phát triển của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung thảo luận và thống nhất định hướng phát triển của Cộng đồng ASEAN sau 2015, đồng thời trao đổi quan điểm và phương hướng giải quyết các vấn đề nóng đang nổi lên ở khu vực, nhất là các thách thức đối với hòa bình, an ninh, ổn định và sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Chủ tịch ASEAN 2014, Tổng thống Mi-an-ma Thên-sên nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả các quốc gia thành viên. Tổng thống Mi-an-ma tái khẳng định: đoàn kết và thống nhất là điều kiện tiên quyết, là cơ sở then chốt để ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng và phát triển vững mạnh, nâng cao vị thế và tiếng nói trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể. |
Hướng tới giai đoạn phát triển mới sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời vào cuối 2015, Tổng thống Mi-an-ma Thên-sên cho rằng, ASEAN cần đề cao hơn nữa văn hóa thực thi, tuân thủ các nguyên tắc và quy định của ASEAN; tăng cường liên kết và kết nối; duy trì đà tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững và đồng đều; đẩy mạnh xây dựng lòng tin, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác hiện có và cấu trúc khu vực đang định hình, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Sau lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước ASEAN đã tham dự Phiên họp toàn thể Cấp cao ASEAN 25 nhằm thảo luận cụ thể các biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng tương lai ASEAN sau 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện quyết tâm cũng như nỗ lực chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và giai đoạn phát triển tiếp theo trên nền tảng duy trì đoàn kết, thống nhất, chủ động và tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm và tiếng nói chung trong những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Đánh giá cao kết quả triển khai trên 80% khối lượng công việc trong lộ trình xây dựng cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí sẽ nỗ lực thực hiện đúng hạn, hiệu quả các biện pháp còn lại, nhất là ưu tiên các lĩnh vực kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển kinh tế đồng đều, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh, an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, dịch bệnh, thiên tai.
Thảo luận về định hướng phát triển của ASEAN sau 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với quan điểm của lãnh đạo các nước ASEAN cần chủ động xây dựng một cấu trúc khu vực, trên cơ sở luật lệ và các nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Ba-li về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi... Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hiệu quả hoạt động và phối hợp của bộ máy tổ chức nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của ASEAN trong giai đoạn sau 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm liên quan đến tình hình Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, gia tăng bạo lực và khủng bố tàn ác tại I-rắc và Xi-ri, dịch bệnh Ê-bô-la...
Trước tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm… trái với quy định của Tuyên bố DOC, lãnh đạo các nước ASEAN tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: ASEAN cần phải duy trì và thúc đẩy đoàn kết, thống nhất lập trường và chủ động có tiếng nói chung đối với những vấn đề ở khu vực. ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trước hết là Điều 5 của Tuyên bố này, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Đồng thời, ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất, đặc biệt là việc ASEAN - Trung Quốc cần sớm cụ thể hóa các biện pháp và xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố; đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc COC có tính ràng buộc, cũng như sớm triển khai các biện pháp “thu hoạch sớm” song song với tiến trình đàm phán về COC.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân tích, một trong những nhiệm vụ ưu tiên cao hợp tác giữa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác là ngăn ngừa, ứng phó và xử lý hiệu quả các thách thức an ninh đang gia tăng, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh hàng hải, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
Liên quan đến vấn đề khủng bố và bạo lực gia tăng ở I-rắc và Xi-ri, Thủ tướng nêu rõ quan điểm của Việt Nam lên án mạnh mẽ khủng bố dưới mọi hình thức; ủng hộ Nghị quyết số 2170 của Hội đồng Bảo an LHQ và mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ.
Bày tỏ quan ngại trước dịch bệnh nguy hiểm Ê-bô-la đang gây hậu quả nghiêm trọng ở châu Phi và có nguy cơ lan rộng rất cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: ASEAN cần ưu tiên các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh, tăng cường phối hợp với nhau, tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và những nước phát triển, nhất là trong các lĩnh vực hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, trang bị y tế và thuốc phòng, chống Ê-bô-la.
Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua Tuyên bố Nây-pi-đô về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 với các thành tố chính của Tầm nhìn làm cơ sở xây dựng định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn 2016-2025; Tuyên bố ASEAN về Tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN và nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ quan ASEAN và Tuyên bố ASEAN về biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các quốc gia ASEAN đã chứng kiến sự kiện công bố thành lập Viện Kinh tế xanh ASEAN, nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác về phát triển và môi trường.
Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, sáng 12-11 tại Trung tâm hội nghị quốc tế Mi-an-ma ở Thủ đô Nây-pi-đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun.
Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp rất quan trọng của LHQ và cá nhân Tổng Thư ký trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.
Thủ tướng khẳng định, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tham gia làm thành viên có trách nhiệm của nhiều cơ quan quan trọng của LHQ, đồng thời tích cực đóng góp vào việc xây dựng các chiến lược, chương trình hành động của LHQ.
Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào việc thảo luận xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ sau 2015 và lồng ghép các mục tiêu này vào các chương trình, mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia; đồng thời tham gia tích cực vào quá trình thương lượng trong khuôn khổ công ước khung về biến đổi khí hậu của LHQ để đạt được thỏa thuận pháp lý toàn cầu mới vào năm 2015.
Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được tư vấn chính sách và tài trợ thiết thực của LHQ trong các lĩnh vực, nhất là giảm nghèo bền vững, phòng, chống HIV/AIDS và biến đổi khí hậu; ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên ECOSOC 2016-2018 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ 2020-2021.
Tổng Thư ký Ban Ki-mun đánh giá cao kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Ông Ban Ki-mun cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ sáng kiến Một LHQ; đánh giá cao việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Tổng Thư ký chúc mừng Việt Nam được bầu làm ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và đã có những đóng góp tích vào việc thảo luận xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ sau năm 2015. Tổng Thư ký bày tỏ mong muốn sớm sang thăm Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa LHQ và Việt Nam.
Về tình hình Biển Đông, Tổng Thư ký Ban Ki-mun khẳng định quan điểm của LHQ về các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại, các bên không có hành động gây căng thẳng; hy vọng các hội nghị ở khu vực sẽ là cơ hội để các bên liên quan giải quyết vấn đề trên cơ sở cách tiếp cận hướng tới tương lai và LHQ sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ trong vấn đề này.
Tiếp tục chương trình nghị sự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Cấp cao liên quan, chiều 12-11 tại Trung tâm hội nghị quốc tế Mi-an-ma ở Thủ đô Nây-pi-đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã lần lượt tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN với Ấn Độ lần thứ 12, Cấp cao ASEAN với Nhật Bản lần thứ 17, Cấp cao ASEAN với LHQ lần thứ 6 và Cấp cao kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN - Ốt-xtrây-li-a.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 12: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi đánh giá cao việc nâng quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược. Ấn Độ khẳng định quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ là một trụ cột chính trong chiến lược “Hành động Phương Đông”.
ASEAN - Ấn Độ nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên chung như chống khủng bố, tăng cường hợp tác hàng hải, công nghệ thông tin và viễn thông, kết nối, giáo dục, du lịch, văn hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển, năng lượng, lương thực, quản lý thiên tai; đồng thời quyết tâm đưa kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ đạt 100 tỷ USD vào năm 2015 và sớm kết thúc đàm phán Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ về hàng hải, đặc biệt tập trung vào vấn đề an ninh biển và ứng phó với các thách thức trên biển.
Với vai trò Điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ (giai đoạn 2015-2018), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN và Ấn Độ. Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN và Ấn Độ tăng cường kết nối cả về đường bộ, đường không, đường biển và kỹ thuật số. Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, tăng cường hợp tác Mê Công - Sông Hằng cũng như dự án xây dựng Hành lang kinh tế Mê Công - Ấn Độ, mở rộng tuyến đường cao tốc Tam giác Ấn Độ - Mi-an-ma - Thái Lan sang Lào và Căm-pu-chia…
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 17: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê chia sẻ tầm quan trọng của quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản và tái khẳng định cam kết triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về Hợp tác ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh và hợp tác biển, thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ, biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, quản lý nguồn nước và bảo vệ môi trường. ASEAN và Nhật Bản cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh thương mại và đầu tư với mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại vào năm 2022…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN và Nhật Bản tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua đẩy mạnh việc thực hiện Lộ trình Chiến lược về Hợp tác kinh tế 10 năm ASEAN - Nhật Bản và sớm thông qua 2 chương trình về Thương mại Dịch vụ và Đầu tư trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, đồng thời sớm hoàn tất đàm phán Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực.
Các nhà lãnh đạo cũng đồng tình với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ASEAN và Nhật Bản cần tập trung đẩy mạnh kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, quản lý thiên tai, tăng cường giao lưu văn hóa và thanh niên, cải thiện hệ thống dịch vụ y tế công, nghiên cứu và phát triển năng lượng mới.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã ra Tuyên bố chung về phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - LHQ lần thứ 6: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun nhất trí thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực và tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan của hai tổ chức trong xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của LHQ sau năm 2015 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị LHQ tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn nữa với ASEAN trong xây dựng Cộng đồng ASEAN; trợ giúp ASEAN thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, bình đẳng giới, chống HIV/AIDS và bệnh dịch; tăng cường hỗ trợ hợp tác tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng sông Mê Công và đẩy mạnh hợp tác ASEAN - LHQ vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác trong chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực hợp tác biển, ngăn chặn xung đột, gìn giữ hòa bình, thúc đẩy nhân quyền, chống buôn bán người; nhất trí tiếp tục hợp tác về kết nối, công nghệ xanh và phát triển bền vững, an ninh năng lượng và lương thực, phát triển tiểu vùng sông Mê Công, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, phổ cập giáo dục, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo… cũng như tiếp tục ứng phó với các thách thức toàn cầu đang nổi lên, trong đó có chống khủng bố, biến đổi khí hậu, môi trường, các bệnh truyền nhiễm, đói nghèo, bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực và an ninh nguồn nước. Các nhà lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch làm việc ASEAN - LHQ đến năm 2015, trong đó đặt ra những ưu tiên hợp tác giữa hai bên trên tất cả các trụ cột của quan hệ toàn diện ASEAN - LHQ.
Tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ốt-xtrây-li-a: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a Tô-ni A-bốt nhất trí sẽ nâng cấp quan hệ ASEAN - Ốt-xtrây-li-a lên tầm quan hệ đối tác chiến lược. ASEAN đánh giá cao Ốt-xtrây-li-a tiếp tục dành nhiều chương trình hỗ trợ lớn cho ASEAN như đề xuất Kế hoạch Cô-lôm-bô mới với cam kết 100 triệu USD nhằm tăng cường giao lưu nhân dân và giáo dục; mở rộng Chương trình hỗ trợ Hợp tác kinh tế thực hiện Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ốt-xtrây-li-a - Niu Di-lân giai đoạn 2015-2019 và dành nhiều hỗ trợ ASEAN trong ứng phó và quản lý thiên tai, phòng, chống dịch bệnh sốt rét.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên gia tăng các nguồn lực, triển khai hiệu quả các cam kết, thỏa thuận và chương trình hợp tác hiện có, cụ thể là Kế hoạch hành động giai đoạn 2015-2019, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và hội nhập sâu rộng hơn trong khu vực.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Ốt-xtrây-li-a nhất trí tiếp tục thúc đẩy mạnh hợp tác theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, tập trung vào các trọng tâm ưu tiên như thúc đẩy các nguyên tắc luật pháp, dân chủ, quản trị tốt, nhân quyền, bình đẳng giới, đẩy mạnh hợp tác hàng hải, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý thiên tai, phòng, chống dịch bệnh xuyên biên giới, đẩy mạnh giao lưu nhân dân và hợp tác giáo dục…
Một điểm chung trong các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác khi trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo đồng tình với quan điểm của Việt Nam và nhấn mạnh duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 và các Cấp cao liên quan đang diễn ra ở Nây-pi-đô, Mi-an-ma, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp chính thức Thủ tướng Liên bang Nga Mét-vê-đép.
Trong không khí hữu nghị, thân tình và hiểu biết lẫn nhau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Mét-vê-đép bày tỏ vui mừng trước quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam và Nga đang có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các kênh, các cấp và các lĩnh vực.
Hai Thủ tướng tập trung trao đổi sâu rộng về các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, GD và ĐT, năng lượng, khoa học, công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cùng nỗ lực đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng thiết thực, hiệu quả theo tinh thần Đối tác Chiến lược toàn diện; khẩn trương hoàn tất các Hiệp định quan trọng để ký kết trong thời gian tới; tạo điều kiện thuận lợi để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ka-dắc-xtan.
Thủ tướng Mét-vê-đép khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng chiến lược của Nga tại khu vực và cho biết, Việt Nam sẽ là đối tác đầu tiên ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan theo lộ trình hai bên đã thỏa thuận, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước về kinh tế, đầu tư, thương mại và khoa học kỹ thuật.
Thủ tướng Mét-vê-đép nhất trí đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Nga đạt 10 tỷ USD trong thời gian tới. Đồng thời cho biết, Nga sẵn sàng tạo điều kiện thuật lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nga, nhất là hàng nông, thủy sản.
Thủ tướng Mét-vê-đép đánh giá Việt Nam là một điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với du khách Nga và dự kiến trong năm 2014 sẽ có 400 nghìn khách du lịch Nga đến Việt Nam. Hai Thủ tướng nhất trí sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hai nước tích cực hoàn thiện các thỏa thuận dự kiến sẽ ký kết trong chuyến thăm chính thức LB Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bảo đảm chuyến thăm thành công tốt đẹp và đạt kết quả thực chất.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Mét-vê-đép chia sẻ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và luôn mong muốn tình hình Biển Đông ổn định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng mời Thủ tướng Mét-vê-đép sớm thăm Việt Nam để hai bên tiếp tục trao đổi cụ thể về các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Thủ tướng Mét-vê-đép vui vẻ nhận lời.
Cũng trong chiều 12-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a Tô-ni A-bốt. Hai Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là về thương mại, GD và ĐT, giao lưu nhân dân; khẳng định Việt Nam và Ốt-xtrây-li-a còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác song phương đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ốt-xtrây-li-a tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Ốt-xtrây-li-a; đánh giá cao việc Ốt-xtrây-li-a duy trì ODA cho Việt Nam và mong muốn Ốt-xtrây-li-a tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên sớm thông qua Chương trình hành động giữa hai nước cho giai đoạn tới.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Tô-ni A-bốt khẳng định quan điểm của Ốt-xtrây-li-a ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN và Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
Tối 12-11 theo giờ Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Mi-an-ma ở Thủ đô Nây-pi-đô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước Căm-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Nhật Bản tham dự Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 6.
Hội nghị ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được trong triển khai Chương trình hành động Mê Công - Nhật Bản 2012-2015 trên cả ba trụ cột hợp tác của Chiến lược Tô-ky-ô và đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho các nước Mê Công.
Về phương hướng hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối khu vực Mê Công phục vụ xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó chú trọng phát triển các hành lang kinh tế và các tuyến đường mới gắn kết tiểu vùng Mê Công với tiểu lục Ấn Độ; xây dựng “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mê Công”, nhằm thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị khu vực và tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh giữa tiểu vùng Mê Công và Nhật Bản; hợp tác phát triển bền vững tiểu vùng Mê Công thông qua thúc đẩy tăng trưởng các-bon thấp, chú trọng tính bền vững về môi trường và xã hội trong phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn điều kiện tự nhiên của tiểu vùng Mê Công.
Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tầm quan trọng sống còn của việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước sông Mê Công, cam kết tăng cường hợp tác với các tổ chức địa phương và quốc tế, đặc biệt là Uỷ hội sông Mê Công trong lĩnh vực này.
Hội nghị đã ra Tuyên bố chung và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 7 vào tháng 7-2015 tại Nhật Bản.
* Gặp chính thức Tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma
Ngày 13-11, tại Thủ đô Nây-pi-đô của Mi-an-ma, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 2, Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 17 và Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 17.
Thống nhất triển khai ngay các biện pháp “thu hoạch sớm”
Tại các hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và đối tác nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thông qua thực hiện hiệu quả các chương trình hành động hiện có, gia tăng liên kết kinh tế và quan hệ thương mại đầu tư, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển cũng như hợp tác ứng phó hữu hiệu với các thách thức đang nổi lên.
Lãnh đạo các nước cũng dành thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không là lợi ích và mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực; theo đó cần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chia sẻ về vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất là thực hiện Điều 5 của DOC về kiềm chế, không có hành động làm phức tạp thêm, gia tăng căng thẳng hay thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Thủ tướng hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong tham vấn vừa qua giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có việc cam kết sẽ đề ra các biện pháp cụ thể và cơ chế nhằm bảo đảm tuân thủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố; cũng như về việc sớm đạt được COC, thống nhất xây dựng và triển khai ngay các biện pháp “thu hoạch sớm”, như lập đường dây nóng giữa hai bên nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin, ngăn ngừa sự cố, căng thẳng; đẩy mạnh thương lượng nhằm sớm đạt được COC.
Hướng tới đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ hai, hai bên đánh giá cao tiến triển tích cực và thực chất trong quan hệ hợp tác, tạo cơ sở hướng tới đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ. Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN về xây dựng cộng đồng, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực; khẳng định tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011-2015. Hoa Kỳ cũng khẳng định chính sách gắn kết lâu dài với Đông Á và ASEAN; coi ASEAN là ưu tiên chiến lược và một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở khu vực; nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa ASEAN và Hoa Kỳ, mong muốn hai bên phối hợp có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác khu vực, giải quyết hiệu quả các thách thức.
ASEAN hoan nghênh chính sách của Hoa Kỳ tiếp tục gắn kết với châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng; đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho ASEAN trong nỗ lực xây dựng cộng đồng và giữ vai trò chủ đạo ở khu vực.
Về kinh tế, hai bên cam kết tăng cường đối thoại về thương mại và đầu tư, tăng cường thực hiện Sáng kiến Gắn kết kinh tế mở rộng (E3) và Thỏa thuận Khung về Thương mại và đầu tư (TIFA), là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho ASEAN và Hoa Kỳ cùng các đối tác khác tiến hành đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Để đưa quan hệ ASEAN và Hoa Kỳ tiếp tục phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2011-2015, tập trung nguồn lực đẩy mạnh hợp tác toàn diện, ưu tiên hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công cộng đồng vào năm 2015, gia tăng kết nối, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, giao lưu nhân dân và giải quyết các thách thức chung như an ninh năng lượng, quản lý nguồn nước bền vững, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, bệnh dịch, chống tội phạm xuyên quốc gia; đồng thời tiếp tục triển khai và dành ưu tiên cao cho tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Hoa Kỳ về hợp tác chống biến đổi khí hậu với mục đích tăng cường hợp tác hai bên bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như đóng góp tích cực vào các nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Làm sâu sắc và mở rộng hợp tác ASEAN - Trung Quốc
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 17, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã khẳng định lại cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo hai bên hài lòng ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được trong triển khai Kế hoạch hành động 2011-2015 triển khai quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng, nhất là những thành tựu trên tất cả 11 lĩnh vực ưu tiên.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc hoan nghênh những tiến triển hợp tác và thảo luận thực chất về sáng kiến và đề xuất của Trung Quốc trong khuôn khổ 2+7, theo đó nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác hiện có và mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ nói trên.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự ủng hộ của Trung Quốc đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và các diễn đàn do ASEAN sáng lập. Để đưa quan hệ hai bên tiếp tục phát triển vững chắc, Thủ tướng đề nghị tiếp tục nỗ lực phát triển quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là đẩy mạnh các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động 2011-2015, đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tạo môi trường hoà bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực. Đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, nhất là việc đàm phán nâng cấp các Hiệp định trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) để đạt mục tiêu 500 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2015…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Trung Quốc cần tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các diễn đàn ASEAN sáng lập, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình; cùng xử lý và ứng phó với những thách thức toàn cầu.
ASEAN+3 thúc đẩy tuân thủ các nguyên tắc luật pháp
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 17, lãnh đạo các nước ASEAN và ba nước Đối tác Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) hoan nghênh và đánh giá cao hiệu quả hợp tác ASEAN+3 thời gian qua, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác ASEAN+3.
Các nhà lãnh đạo các nước ASEAN+3 tái khẳng định cam kết ứng phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên, nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy tuân thủ các giá trị và chuẩn mực chung, các nguyên tắc luật pháp. Lãnh đạo các nước ASEAN+3 nhất trí tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên thực hiện các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư và tài chính…
Để đưa hợp tác ASEAN+3 đi vào chiều sâu, thực chất hơn, đặt nền tảng vật chất cho cộng đồng ở Đông Á trong tương lai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất các bên cần tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai Kế hoạch Công tác hợp tác ASEAN+3 sửa đổi giai đoạn 2013-2017, đóng góp đầy đủ cho Quỹ Hợp tác ASEAN+3 để hỗ trợ triển khai hiệu quả hơn các dự án hợp tác… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị tiếp tục tăng cường hợp tác ổn định tài chính vĩ mô thông qua triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai, mở rộng Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á và Quỹ Đầu tư bảo đảm tín dụng…
Đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam
Cùng ngày 13-11, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Hoa Kỳ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama). Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam quyết tâm cùng với Hoa Kỳ và các nước tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trên cơ sở bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên tham gia và dành cho các thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thời gian chuyển đổi hợp lý để thực thi hiệp định; đề nghị Tổng thống B.Ô-ba-ma chỉ đạo đoàn đàm phán Hoa Kỳ đáp ứng các lợi ích của Việt Nam về mở cửa thị trường và có những linh hoạt cần thiết phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục tăng ngân sách cho các hoạt động tẩy độc và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam, rà phá bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh; đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Tổng thống B.Ô-ba-ma khẳng định, Hoa Kỳ mong muốn thấy một đất nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng; cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở các lĩnh vực ưu tiên được đề ra trong quan hệ Đối tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước. Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tẩy độc đi-ô-xin, rà phá bom, mìn, hoan nghênh Việt Nam tham gia các Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và người tàn tật.
Về TPP, Tổng thống B.Ô-ba-ma khẳng định sẽ xem xét dành những linh hoạt cần thiết đối với Việt Nam và phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Tổng thống tiếp tục khẳng định coi trọng hợp tác với Tiểu vùng sông Mê Công, trong đó có việc bảo đảm sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước tiểu vùng trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công.
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương và trong khuôn khổ các diễn đàn ASEAN liên quan, đóng góp tích cực và xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực, nhất là không làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao lập trường rõ ràng của Hoa Kỳ, đề nghị Hoa Kỳ và các nước tiếp tục đóng góp một cách hiệu quả vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, yêu cầu các bên thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Tổng thống B.Ô-ba-ma và phu nhân thăm Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.
EAS cần có tầm nhìn dài hạn
Cùng ngày 13-11, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Mi-an-ma với sự tham gia của các vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước ASEAN, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân, Nga, Hoa Kỳ và Tổng thư ký ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điểm lại những đóng góp quan trọng của Hội nghị Cấp cao Đông Á vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, Hội nghị Cấp cao Đông Á cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược gồm thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến trình liên kết, hội nhập khu vực, tăng cường hợp tác ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu và tăng cường bảo đảm hoà bình, ổn định và an ninh tại khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất cần có một tầm nhìn dài hạn để xây dựng một cấu trúc khu vực vì hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Á. Theo đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của Cấp cao Đông Á trong thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến trình liên kết, hội nhập khu vực. Cần bàn phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác khu vực, hỗ trợ những nỗ lực phát triển kinh tế bền vững; ủng hộ ASEAN hướng tới Cộng đồng vào năm 2015, cũng như các nỗ lực đàm phán về hội nhập, tự do hóa thương mại khu vực, trong đó có xây dựng Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không là lợi ích và mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Trước bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng đề nghị các bên cần đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực nhằm bảo đảm việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện kiềm chế, không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình hay làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Nhất trí phấn đấu sớm đạt được COC trên cơ sở đồng thuận
Chiều 13-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Mi-an-ma đã diễn ra Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các cuộc gặp cấp cao giữa ASEAN với đối tác. Tại buổi lễ, Mi-an-ma - nước Chủ tịch ASEAN năm 2014 - đã chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN 2015 cho Ma-lai-xi-a.
Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN-25 khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về kỷ niệm 10 năm DOC và các Tuyên bố liên quan của ASEAN được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24.
Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN-25 hoan nghênh kết quả tích cực trong tham vấn về thực hiện DOC và nhất trí phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Theo đó, các bên nhất trí thúc đẩy tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố DOC và sớm đạt được COC, đề nghị triển khai thêm các biện pháp "thu hoạch sớm" nhằm thúc đẩy và tăng cường lòng tin ở khu vực.
Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông, tái khẳng định các cam kết chung về bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế và không được có các hoạt động gây phức tạp thêm tình hình, hay mở rộng gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tuyên bố tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết chung của các nước thành viên ASEAN đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và lòng tin chung trong khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết tạo dựng những điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Theo qdnd.vn