Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh thẩm tra Đề án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

08:11, 28/11/2014

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII, ngày 25-11-2014,  Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát tại Sở Xây dựng để thẩm tra Đề án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự buổi giám sát có đồng chí Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh và Sở Xây dựng.

Đề án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, chiến lược phát triển KT-XH của Chính phủ và quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2030. Đề án gồm 7 nội dung, trong đó tập trung vào 2 lĩnh vực chính như: Định hướng phát triển vùng và Chương trình dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2020. Về xây dựng định hướng phát triển vùng có không gian đô thị vùng gồm: Không gian trung tâm; không gian huyện; khu vực kinh tế trung tâm; khu kinh tế dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề; khu vực kinh tế nông nghiệp kết hợp CN-TTCN; khu vực kinh tế biển. Trong đó, không gian trung tâm phát triển 5 đô thị hạt nhân chính được xác định gồm: Thành phố Nam Định là đô thị trung tâm của tỉnh; Thành phố Thịnh Long - Khu kinh tế Ninh Cơ - Thị xã Rạng Đông là hạt nhân phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ biển; Thị xã Yên Bằng với hạt nhân là dịch vụ thương mại và các khu, CCN - làng nghề; Thị xã Quất Lâm - Đại Đồng gắn với Vườn quốc gia Xuân Thủy là trung tâm phát triển du lịch phát triển sinh thái biển. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn gồm 4 giai đoạn: giai đoạn đến 2015 dự kiến có 17 đô thị, gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V; giai đoạn 2016-2020 dự kiến có 20 đô thị gồm 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại IV và 16 đô thị loại V; giai đoạn 2021-2030 dự kiến có 23 đô thị gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và 19 đô thị loại V; tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng thành phố kết hợp Thịnh Long + Rạng Đông trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực: Tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển nhanh các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển trang trại, gia trại, khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng phát triển rừng ngập mặn gắn với phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản. Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực gồm ngành dệt may; cơ khí đóng tàu và chế tạo; sản xuất và phân phối điện; công nghiệp hóa dược, dược phẩm và nhựa; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp phần mềm và cơ điện tử. Xây dựng khu kinh tế Ninh Cơ, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ven biển, công nghiệp dịch vụ vận tải biển, dầu khí trong tương lai và khai thác than. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, gắn việc tôn tạo, nâng cấp các khu di tích lịch sử - văn hóa và tổ chức các lễ hội với việc phát triển du lịch... Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật về giao thông xây dựng 4 tuyến đường cao tốc, 5 tuyến quốc lộ; xây dựng sân bay ta-xi tại khu kinh tế Ninh Cơ, điểm đỗ trực thăng tại các điểm thích hợp, phù hợp với sự phát triển của các KCN, khu du lịch và công tác cứu hộ, cứu nạn; mở rộng, nâng cấp cảng Hải Thịnh, xây dựng cảng mới tại khu vực Rạng Đông… Giai đoạn từ nay đến năm 2020 ưu tiên tập trung vào các chương trình, dự án như: Chương trình cải tạo và xây dựng hạ tầng xã hội: y tế, trường học, TDTT, dịch vụ, công cộng. Tăng cường cơ sở vật chất khu vực nông thôn như giao thông, cấp nước sạch, cấp điện và vệ sinh môi trường. Chương trình ứng phó với thiên tai, siêu bão... Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị Nam Định, Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông. Xây dựng mới các đô thị Yên Bằng, Ninh Cường, Xuân Ninh, Đại Đồng. Nghiên cứu xây dựng khu kinh tế Ninh Cơ. Xây dựng các tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nam Định và cầu Thịnh Long; đường cao tốc Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh; đường nối đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình tại Cao Bồ đến khu kinh tế Ninh Cơ, quy mô các cầu vượt sông Đào, sông Ninh Cơ theo quy hoạch; đường bộ mới nối Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào. Các dự án xây dựng hạ tầng đô thị, trung tâm hành chính, văn hóa xã hội, thể thao, vui chơi giải trí đáp ứng yêu cầu đưa Thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Nhóm các dự án phục vụ công tác phòng, chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng trung tâm sản xuất giống thủy, hải sản chất lượng cao…

Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đánh giá cao tính khái quát của Đề án thông qua việc thể hiện được tầm nhìn và chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh. Các định hướng phân kỳ theo từng giai đoạn phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và có tính khả thi cao. Đồng thời đề nghị Sở Xây dựng làm rõ một số vấn đề trong Đề án như: Sự thống nhất của Đề án với định hướng quy hoạch vùng và định hướng phát triển của tỉnh. Các căn cứ pháp lý xây dựng Đề án. Việc quy hoạch các lĩnh vực: GD và ĐT, KH và CN, phát triển kinh tế nông nghiệp, hệ thống nước sạch phục vụ các khu đô thị mới, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tính khả thi của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mũi nhọn phát triển kinh tế công nghiệp. Bổ sung vào đề án những giải pháp về tổ chức thực hiện quy hoạch như: nguồn lực, nguồn vốn; xây dựng các thiết chế văn hóa của các khu đô thị trung tâm, việc giữ gìn các thị trấn cổ và hệ thống cây xanh vào các khu đô thị mới./.

Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com