Ngày 16-10, tại Hà Nội, Hội CTĐ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam tổ chức lễ công bố Báo cáo thảm họa thế giới năm 2014 và hưởng ứng Ngày Quốc tế về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Báo cáo có 7 chương gồm: Tầm quan trọng của “văn hóa” và thái độ với rủi ro; Tôn giáo và tín ngưỡng ảnh hưởng đến quan niệm về rủi ro thiên tai như thế nào; Nhìn nhận sinh kế một cách nghiêm túc; Những điều tưởng tượng về cộng đồng?; Văn hóa, rủi ro và môi trường nhân tạo; Những vấn đề nhạy cảm về văn hóa trong y tế cộng đồng: thảm họa HIV/AIDS và hơn thế nữa.
Việt Nam là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ và biến đổi khí hậu toàn cầu. Mỗi năm, Việt Nam phải hứng chịu từ 10 đến 15 cơn bão, lũ, lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 50% diện tích đất đai và 70% dân số của Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2013 đã có 14 cơn bão và lũ xảy ra tại Việt Nam, với số người bị ảnh hưởng lên đến 4,13 triệu người (cao nhất trong 10 năm trở lại đây). Trong khi đó, số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, số thảm họa trên toàn cầu trong năm 2013 lại thấp nhất trong cả thập niên.
Theo dự báo biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam, giữa thế kỷ 21 mực nước biển của Việt Nam có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển có thể dâng cao 1m. Khi đó, khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP./.
Theo qdnd.vn