Ngày 13-9-2014 (tức ngày 20 tháng 8 năm Giáp Ngọ), tại đền Thiên Trường, đền Cố Trạch thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - chùa Tháp, phường Lộc Vượng (TP Nam Định), Thành uỷ, UBND, Uỷ ban MTTQ Thành phố Nam Định đã tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm các vị Vua Trần và 714 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Các đồng chí: Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng đông đảo nhân dân thập phương tới dự.
Du khách thập phương vào nội cung đền Thiên Trường thắp hương tưởng niệm các vị vua Trần và Đức Thánh Trần. Ảnh: Internet. |
Trong không khí linh thiêng, thành kính, Ban tổ chức lễ dâng hương đã ôn lại những chiến công hiển hách trong lịch sử vương triều Trần và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Trải qua 3 thế kỷ với 175 năm tồn tại, vương triều Trần đã phát triển tới đỉnh cao văn minh Đại Việt. Đặc biệt Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã trở thành biểu tượng cao đẹp về tinh thần “trung quân, ái quốc”, vì nghĩa lớn mà dẹp thù riêng để vun đắp, xây dựng mối đoàn kết giai cấp, triều đình, dân tộc cùng chung sức, chung lòng đứng lên đánh giặc cứu nước, là nhà tư tưởng kiệt xuất, nhà quân sự thiên tài. Ông là bậc đại trí, đại dũng, văn võ song toàn, Trần Hưng Đạo từ một vị tướng trong lịch sử đã được thần thánh hoá trong tâm thức dân tộc. Nhân dân tôn thờ, suy tôn Người là bậc “Thánh”, thường gọi là “Đức Thánh Trần”, “Đức Thánh Cha”. Lễ dâng hương tưởng niệm các vị Vua Trần và 714 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo là nghĩa cử cao đẹp để tri ân công lao của các vị Vua Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với quê hương, đất nước; qua đó, động viên toàn thể quân, dân tỉnh nhà, nhất là thế hệ trẻ ra sức phấn đấu học tập, lao động, tu dưỡng, sáng tạo và lập nghiệp, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, cống hiến tài năng, trí tuệ và sức lực vì sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước; động viên, khơi gợi niềm say mê tìm hiểu, nghiên cứu những tri thức về lịch sử, văn hóa, truyền cảm hứng, lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, tiếp nối truyền thống cha ông, xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Sau lễ dâng hương tại khu di tích đã diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống như: múa sư tử, múa rồng, biểu diễn võ thuật, thi đấu cờ, múa rối nước./.
Việt Thắng