Ngày 12-9-2014, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.
Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có 4 điều được sửa đổi, bổ sung gồm: Điều 11, 15, 17, 25 với các nội dung như: Chức vụ của sĩ quan, cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan, thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ, thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan. Trên cơ sở nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, tại hội nghị hầu hết các ý kiến đóng góp đều nhất trí cao với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, nêu ý kiến bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, thực hiện tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời đại hiện nay.
Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) bao gồm 7 chương, 42 điều quy định về nguyên tắc tổ chức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân. Góp ý vào Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), các ý kiến tập trung tham gia vào các vấn đề như: Nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân; quy định trần cấp bậc hàm cấp tướng của sĩ quan Công an nhân dân; quy định công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; tổ chức, bộ máy của Công an nhân dân; tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân.
Đã có 50 lượt ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, tập trung vào những vấn đề như: Quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án; đơn thi hành án; xác minh điều kiện thi hành án; miễn, giảm các khoản thu; cưỡng chế thi hành án… Ngoài ra các đại biểu còn thảo luận và góp ý đối với các quy định khác của Dự thảo, như: Tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên; quy định phân loại án có điều kiện hoặc không có điều kiện thi hành; chi phí cưỡng chế thi hành án…
Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp để tổng hợp gửi đến cơ quan soạn thảo xem xét, hoàn thiện các Dự thảo Luật trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thông qua./.
Văn Trọng