Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)

08:09, 26/09/2014

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 25-9-2014, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). 

Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) gồm 7 chương, 105 điều quy định cụ thể một số nội dung về tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), đa số các ý kiến của các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội nhằm thể chế hóa các văn kiện của Đảng, phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức hoạt động Quốc hội để phù hợp với thực tiễn. Các ý kiến thảo luận xây dựng dự án luật tập trung vào 5 nội dung cụ thể gồm: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội theo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; các quy định về Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; chức danh Tổng thư ký của Quốc hội, cơ quan Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kinh phí hoạt động Quốc hội. Về tên gọi của dự án Luật, đa số các ý kiến của các đại biểu đề nghị sửa thành Luật Tổ chức và hoạt động của Quốc hội để phù hợp với những quy định trong dự án Luật. Cần có thêm các điều khoản quy định về tránh nhiệm của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trước đất nước và nhân dân; quy định cụ thể về cơ cấu thành phần đại biểu trong bộ máy tổ chức của Quốc hội. Góp ý kiến cụ thể vào các điều khoản, các đại biểu đề nghị: tại khoản 2, điều 7 cần quy định cụ thể theo tỷ lệ phần trăm đối với các quy định tài chính và tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công; dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương, điều chỉnh dự toán ngân sách… Việc bỏ phiếu tín nhiệm tại điều 13 quy định, người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội không tín nhiệm có thể từ chức là không đúng vì đại biểu Quốc hội là do nhân dân tín nhiệm lựa chọn qua các kỳ bầu cử. Tại các điều 19, 37, 94 cần quy định cụ thể việc trưng cầu ý dân, phân cấp giải quyết kiến nghị của cử tri; việc mất quyền đại biểu Quốc hội; quyền của người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội... Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến vào việc chỉnh sửa ngữ nghĩa một số từ, cụm từ trong dự thảo Luật cho thật chính xác, đảm bảo tính nghiêm minh của văn bản pháp luật khi ban hành.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, đồng chí Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, tổng hợp gửi cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com