Giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc thiêng liêng và tấm gương đạo đức của Người đã được thể hiện rõ nét trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt diễn ra trang trọng tại Hà Nội vào tối 30-8.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH, TT và DL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Đến dự chương trình có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự Chương trình nghệ thuật. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Phát biểu tại Chương trình, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nêu rõ, ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi vào cõi những người hiền, để lại cho dân tộc, Đảng ta một sự nghiệp vĩ đại, một di sản tinh thần vô giá, là tư tưởng và đạo đức của Người, đặc biệt là bản Di chúc thiêng liêng.
Di chúc là một văn kiện bất hủ, thể hiện đạo đức, tư tưởng và tâm hồn cao đẹp của vị Anh hùng giải phóng dân tộc.
45 năm qua, Di chúc của Người đã soi đường, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đưa cách mạng Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Di chúc của Người khẳng định thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời thấu hiểu sự gian khổ, vất vả hy sinh của nhân dân trong cách mạng và trong kháng chiến, Người căn dặn, Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt nhằm phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân.
Di chúc của Người là công trình đúc kết ở tầm cao lý luận, tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với những chỉ dẫn vô cùng quý giá.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt niềm tin vào sức mạnh đoàn kết, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân - những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời, Người khẳng định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam cần có sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân thế giới.
Di chúc của Người thể hiện tình thương yêu bao la, sự quan tâm sâu sắc của vị lãnh tụ với tất thảy các tầng lớp nhân dân, công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, thương binh, gia đình liệt sĩ.
Người căn dặn Đảng luôn chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách xã hội để mỗi người dân có điều kiện phát huy, cống hiến đắc lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Người nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cách mạng cho đời sau...
Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: “45 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đồng lòng, dốc sức thực hiện Di chúc của Người, lập nên những thắng lợi vẻ vang trong từng giai đoạn cách mạng; đồng thời chúng ta cũng nhận thức sâu sắc rằng, Đảng ta, nhân dân ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành những ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc.
Trong Chương trình nghệ thuật ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cùng nhau ôn lại lời dạy của Người, văn hóa soi đường quốc dân đi. Để hoàn thành sứ mệnh đó, Người khẳng định “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận đó”. Sự khẳng định của Người đã xác định vai trò, vị trí chức năng của văn hóa, văn học nghệ thuật cũng như nhiệm vụ của văn nghệ sĩ đối với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng ta”.
Chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hãng phim Thời sự tài liệu khoa học Trung ương phối hợp thực hiện, biểu diễn./.
Theo: chinhphu.vn