Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về đê điều tại huyện Ý Yên

08:09, 22/09/2014

Ngày 19-9-2014, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có buổi giám sát chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về đê điều tại huyện Ý Yên.

Trên địa bàn huyện Ý Yên có 39,9km đê đại hà, trong đó đê tả Đáy dài 32,2km, đê hữu Đào dài 7,7km; 32,8km đê bối, bờ bao sản xuất và 29 cống qua đê. Hiện trạng mặt đê ở nhiều đoạn thuộc các xã Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Phương, Yên Nhân bị vỡ, lún. Thân đê có hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu khi lũ ở mức báo động III và trên báo động III; các cống Đông Duy, Tây Vĩnh, Quán Khởi còn tiềm ẩn sự cố khi có lũ lớn. Các bối và bờ bao còn chắp vá, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng… Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ và UBND tỉnh, dự án củng cố, xử lý trọng điểm đê tả Đáy đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, nâng cao khả năng chống chịu lũ, bão. Bên cạnh đó, UBND huyện thực hiện tốt công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý đê điều; luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp giải tỏa những công trình vi phạm trong phạm vi bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật; duy trì tốt công tác bảo vệ và hộ đê, góp phần thực hiện công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai. Hằng năm, UBND huyện đều thành lập Ban Chỉ huy PCLB-TKCN, đồng thời thành lập 5 cụm PCLB trên đê và bộ phận chỉ đạo chống úng nội đồng. Chủ động kiểm tra hiện trạng công trình đê, bối, kè, cống, kênh mương và các trạm bơm trên địa bàn trước, trong và sau mùa mưa bão. Xây dựng các phương án bảo vệ các trọng điểm PCLB, phương án di dời dân và tổ chức diễn tập thực hành công tác PCLB, TKCN. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác PCLB, úng ở 13 xã ven đê và một số xã nội đồng; tiến hành lập biên bản đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm công trình thủy lợi, đê điều. Từ năm 2007 đến nay, đã phát hiện và lập biên bản xử lý 208 hộ vi phạm. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về đê điều trên địa bàn huyện Ý Yên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Các khu dân cư, các cơ sở sản xuất đã hình thành trong phạm vi hành lang bảo vệ đê từ trước khi Luật Đê điều có hiệu lực; việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều chưa được triển khai thực hiện; ngoài ra, do quá trình nâng cấp, mở rộng các tuyến đê, phạm vi bảo vệ đê bị thu hẹp, khu dân cư nằm trong phạm vi bảo vệ nên việc xác định các vi phạm, giải tỏa và di rời gặp nhiều khó khăn. Ý thức chấp hành pháp luật về đê điều và Pháp lệnh PCLB của một bộ phận dân cư, tổ chức doanh nghiệp còn hạn chế. Công tác xử lý các vi phạm của chính quyền một số địa phương chưa cương quyết, chưa kịp thời. Một số ngành, địa phương khi cấp phép cho các hoạt động sử dụng đất như: cấp đất, giao đất, cho thuê đất, hợp đồng sử dụng bến bãi, xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều, lòng sông thoát lũ không tuân thủ pháp luật về PCLB. Tại những xã ven đê có số vụ vi phạm nhiều do đê đại hà là đường giao thông chính của xã, mật độ giao thông lớn, có khả năng khai thác kinh doanh, buôn bán nên các hộ đã tự ý san lấp, lấn chiếm phần mái đê và hành lang chân đê làm sân, lều, quán, tường rào… Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đê điều, thời gian tới, UBND huyện Ý Yên tập trung kiểm tra, rà soát lại các công trình vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều chưa giải tỏa. Lập kế hoạch, phương án và tổ chức cưỡng chế, giải tỏa dứt điểm đối với các trường hợp cố tình chống đối; tiến hành lập hồ sơ, đưa ra xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ đê điều. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, chống tái vi phạm sau giải tỏa.

Tại buổi làm việc, UBND huyện Ý Yên kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh nâng cấp các tuyến bối tại các xã: Yên Trị, Yên Nhân, Yên Lộc, Yên Phúc thành đê chính và nâng cấp bờ bao sản xuất xã Yên Bằng, Yên Khang thành bối để đáp ứng yêu cầu PCLB và bảo vệ sản xuất. Chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với huyện giải tỏa các công trình vi phạm đê điều trong phạm vi 5m từ chân đê trở ra theo đúng quy định hành lang bảo vệ đối với khu dân cư, khu đô thị và 25m từ chân đê trở ra đối với các vị trí khác và công trình thủy lợi. Tại các khu vực đã tiến hành giải tỏa, tiến hành làm đường hành lang chân đê để chống tái lấn chiếm và tạo điều kiện thuận lợi về giao thông. Cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi. Hỗ trợ kinh phí thực hiện giải tỏa các vi phạm về đê điều và công trình thủy lợi. Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Ý Yên làm rõ một số nội dung như: Công tác huy động nguồn lực của huyện, của xã, của các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong công tác tu bổ, nâng cấp đê điều. Hiện trạng các điểm đê xung yếu cần phải được đầu tư nâng cấp để đảm bảo công tác PCLB. Lộ trình xử lý các vụ vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, hành lang thoát lũ. Thực trạng và biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân; công tác phối hợp giữa lực lượng quản lý đê chuyên trách và chính quyền địa phương trong tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. 

Những nội dung kiến nghị trong công tác quản lý Nhà nước về đê điều tại buổi giám sát đã được Đoàn giám sát ghi nhận để đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com