Sáng 12-8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn về một số nội dung liên quan đến trẻ em trong Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Toàn cảnh Diễn đàn. |
Tham gia Diễn đàn có các vị đại biểu Quốc hội, đại diện một số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, pháp luật, tổ chức Nhà nước.
Tham luận của các chuyên gia về ngân sách Nhà nước phân tích làm rõ những hạn chế của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành liên quan đến việc thực hiện các chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kiến nghị bổ sung một số nội dung vào Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng: quy định lập dự toán ngân sách hằng năm gắn với kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước trung hạn, kế hoạch đầu tư trung hạn; đánh giá kết quả, hiệu quả chi ngân sách gắn với công tác quyết toán ngân sách; quản lý ngân sách Nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong công tác lập dự toán và quyết toán ngân sách. Những đề xuất này liên quan trực tiếp đến việc lập kế hoạch, chấp hành, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, quyết toán ngân sách Nhà nước chi cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Các đại biểu đề xuất nên có các quy định trong Luật, hướng dẫn và phương pháp luận cụ thể để giúp cán bộ có thể ưu tiên việc thực hiện quyền trẻ em trong quy trình lập kế hoạch và phân bổ ngân sách. Cần tăng sự tham gia của người dân trong quy trình lập kế hoạch và ngân sách. Lịch biểu lập ngân sách nên bắt đầu sớm hơn để có đủ thời gian tham vấn người dân và để đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp có thể xem xét dự toán ngân sách do Chính phủ, chính quyền các cấp trình một cách kỹ lưỡng hơn và có xem xét những ưu tiên thực hiện quyền trẻ em.
Dự toán ngân sách cần được phân chia chi tiết hơn theo lĩnh vực và theo người hưởng lợi, trong đó có đối tượng trẻ em. Cần trao quyền nhiều hơn cho hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định phân bổ ngân sách theo các ưu tiên của địa phương.
Đối với các nội dung liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các chuyên gia đã trình bày khái quát về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phân tích làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Các đại biểu đề xuất: do các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương được bảo đảm thực hiện bởi các quy định của các luật chuyên ngành có liên quan đến quyền sống còn, quyền được chăm sóc, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia của trẻ em, nên các luật liên quan, trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần quy định cụ thể vấn đề này; cần quy định nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân trong việc triển khai các quy định về quyền và bổn phận của trẻ em tại địa phương, cơ sở theo phân cấp về quản lý lãnh thổ.
Các ý kiến của đại biểu tại Diễn đàn cung cấp thêm cơ sở pháp lý để xây dựng Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong thời gian tới./.
Theo nhandan.com.vn