Ngày 13-8-2014, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão (PCLB), phương án ứng phó với siêu bão và tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi tại Thành phố Nam Định. Tham gia đoàn có lãnh đạo các sở: KH và ĐT, Tài chính, NN và PTNT, TN và MT, TT và TT, Văn phòng UBND tỉnh.
Thực hiện công tác PCLB-TKCN năm 2014, Thành phố Nam Định đã kiện toàn Ban chỉ huy PCLB-TKCN; tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều và các công trình thủy lợi, chủ động lập phương án tu sửa, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Xây dựng các phương án hộ đê toàn tuyến và phương án bảo vệ các trọng điểm chống lũ của thành phố là khu vực Óng Bò - Tam Phủ trên tuyến đê sông Hồng thuộc địa phận xã Nam Phong. Tổ chức diễn tập di dân ra khỏi nhà nguy hiểm, cứu hộ cứu nạn khi nhà sập tại phường Trần Quang Khải và diễn tập di dân vùng bối khi có mưa to, gió lớn tại phường Cửa Nam. Tổ chức kiểm tra công tác PCLB-TKCN năm 2014 tại 25 phường, xã và tập huấn kỹ năng xử lý, ứng cứu đê giờ đầu cho lực lượng trưởng điếm canh đê và quản lý đê nhân dân. Tổ chức tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi; đồng thời phân loại, lập kế hoạch xử lý khắc phục các vi phạm. Tăng cường công tác chuẩn bị PCLB theo phương châm “4 tại chỗ” và xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả sau bão… Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội của thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý khai thác, bảo vệ công trình đê điều và công trình thủy lợi đến các cơ quan, đơn vị liên quan và 25 phường, xã. Vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm tự giải tỏa, tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu. Hạt Quản lý đê điều tiến hành rà soát, thống kê, phân loại, lập kế hoạch, phương án giải quyết cụ thể đối với từng vi phạm tồn tại từ năm 2007 đến nay. Hiện tại trên địa bàn còn 40 vụ vi phạm pháp luật đê điều, thành phố đang tiến hành giải quyết. UBND thành phố yêu cầu Hạt Quản lý đê điều, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm các vi phạm lấn chiếm, gây cản trở dòng chảy trên các tuyến kênh cấp I, II; vi phạm trên mặt đê, mái đê và phạm vi 5m từ chân đê trở ra trong quý III-2014 và xử lý các trường hợp vi phạm xây nhà, tường bao lấn chiếm mái đê, bờ đê và bờ kênh trong năm 2015. Đồng thời tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tái diễn và các hành vi mới phát sinh. Đối với phương án ứng phó với siêu bão, ngoài việc tập trung đảm bảo lương thực, thuốc chữa bệnh, vật tư tại chỗ, thành phố xác định các nhiệm vụ trọng tâm là di dời nhân dân trong khu vực nhà nguy hiểm đến nơi an toàn và bảo vệ đê, kè toàn tuyến; đặc biệt là trọng điểm Óng Bò - Tam Phủ trên tuyến đê sông Hồng và hệ thống công trình đô thị như cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCLB, ứng phó với siêu bão và Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh, thành phố đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dự án kiên cố đê, kè; cắm mốc biển chỉ giới và biển hạn chế tải trọng xe lưu hành trên đê và cho phép thành phố thanh lý 2 nhà nguy hiểm số 181 Hoàng Văn Thụ và 207 Nguyễn Du để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão…
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ những ưu điểm và hạn chế của thành phố trong công tác PCLB, ứng phó với siêu bão và biểu dương thành phố đã thực hiện tốt Chỉ thị 14/CT-UBND của UBND tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, thành phố cần chủ động các phương án ứng phó với bão, lũ, nhất là siêu bão, tránh tư tưởng chủ quan trong công tác PCLB-TKCN, nhất là tư tưởng chủ quan của người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai… trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin trực tiếp đến người dân thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị. Trước mắt, tiến hành chặt tỉa cành cây, gia cố các công trình nhà ở của người dân, cơ quan. Thống kê chính xác nhà thuộc diện nguy hiểm, không an toàn để có phương án cụ thể; tháo dỡ biển quảng cáo, hạ tải trạm BTS. Chủ động điều tiết việc tiêu thoát nước đệm giữa khu vực nội thành và khu vực nông thôn. Đảm bảo lực lượng thường trực, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo vật tư, lương thực theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong trường hợp có siêu bão, phải chủ động tuyên truyền, xác định phương án di dời, nơi di dời đảm bảo an toàn cho nhân dân thành phố và chủ động tình huống khi nhân dân các huyện lân cận dồn về tránh trú siêu bão. Đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cứu hộ, cứu nạn. Hoàn tất mọi công việc chuẩn bị trước 48 tiếng khi có bão đổ bộ vào địa bàn. Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 14, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành phố phải kiên quyết tập trung chỉ đạo, điều hành; tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện. Các cấp chính quyền cần tích cực vào cuộc để giải quyết, xử lý các vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi. Huy động cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vào cuộc thực hiện tốt nhiệm vụ PCLB. Gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xử lý vi phạm và bảo vệ hiện trường, tránh tái phát vi phạm. Giao Sở NN và PTNT phối hợp, hướng dẫn thành phố hoàn chỉnh phương án PCLB, ứng phó với siêu bão và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh. Đối với những kiến nghị của thành phố, đồng chí giao Sở NN và PTNT, các sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết./.
Nguyễn Hương