Ngày 8-8-2014, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác PCLB, phương án ứng phó với siêu bão và tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi của huyện Trực Ninh. Tham gia đoàn có lãnh đạo các sở: NN và PTNT, TT và TT, Xây dựng, TN và MT, Văn phòng UBND tỉnh.
Thực hiện công tác PCLB-TKCN, huyện Trực Ninh đã kiện toàn Ban chỉ huy và các tiểu ban chỉ huy PCLB huyện năm 2014. Tổ chức tổng kiểm tra công trình đê điều trước lũ, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống để xác định các vị trí trọng điểm, xung yếu và lập kế hoạch tu bổ, phương án hộ đê trong mùa mưa bão năm 2014; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Huyện đã giao án phận đê điều cho 15 xã ven sông. Đầu tư gần 500 triệu đồng tu sửa ổ gà, rãnh thoát nước mặt đê tại một số đoạn thuộc đê hữu sông Ninh Cơ, công trình đã hoàn thành trước ngày 15-6-2014, kịp thời phục vụ cho công tác PCLB. Tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách thủy lợi các xã, thị trấn, trưởng điếm; ký hợp đồng với UBND các xã, thị trấn ven sông về lực lượng thường trực tại các điếm canh đê.
Huyện đã xây dựng phương án ứng phó với tình huống siêu bão, tập trung vào bảo vệ đê toàn tuyến; phương án di dân vùng bối xã Phương Định; bảo vệ đê, kè trọng điểm Trực Đạo và Trực Mỹ; quy trình vận hành các cống dưới đê; chủ động sơ tán dân ở trong nhà cấp 4, nhà yếu, nhà dột nát đến nơi kiên cố; tăng cường lực lượng Công an, Quân đội đảm bảo an ninh và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn… Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, UBND huyện đã phối hợp với Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội của huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý khai thác, bảo vệ công trình đê điều và công trình thủy lợi đến các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn. Tiến hành rà soát, thống kê, phân loại tình hình vi phạm. Đến nay trên địa bàn huyện tồn tại 126 trường hợp vi phạm đê điều. Huyện đã tổ chức giải tỏa được 36/38 trường hợp vi phạm nhóm 1 (vi phạm phải giải quyết xong trước ngày 15-7-2014). Trong thời gian tới, huyện tập trung giải quyết 55 trường hợp vi phạm nhóm 2, xong trước ngày 31-12-2014. Các trường hợp vi phạm nhóm 3 đã được lập biên bản giữ nguyên hiện trạng, gồm 28 trường hợp vi phạm trước khi có Luật Đê điều, phát sinh do kế hoạch tu bổ hoàn chỉnh mặt cắt đê và 5 trường hợp xây dựng nhà kiên cố trên đất hợp pháp có sổ đỏ nhưng xây dựng vi phạm Luật Đê điều, huyện xin ý kiến của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Về vi phạm công trình thủy lợi, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn giải tỏa 5 lều vó, 58 đăng đó, 36.700m2 bèo rác; Cty TNHH một thành viên KTCTTL Hải Hậu đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn giải tỏa 9 đăng đó, 20.000m2 bèo rác.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Trực Ninh hoàn chỉnh từng báo cáo về công tác PCLB, phương án ứng phó với siêu bão và kết quả thực hiện Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh. Đối với công tác PCLB, huyện cần kiểm tra thực tế việc thực hiện bảo vệ trọng điểm, toàn tuyến đê, kè, xác định những tồn tại để xây dựng giải pháp, kế hoạch khắc phục. Chủ động các phương án sơ tán dân, tùy theo từng cấp độ bão phải có phương án cụ thể phù hợp; xác định các khu vực, số nhà thuộc diện phải di dời, sơ tán đến những khu vực an toàn. Trong trường hợp khẩn cấp phải chuẩn bị các điểm di dời cụ thể và thông báo địa điểm đến từng hộ dân. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm, tránh tư tưởng chủ quan của các cấp, ngành, nhân dân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa công tác PCLB vào nề nếp. Trong phương án ứng phó với siêu bão, huyện phải xác định những khu vực có thể bị ảnh hưởng nặng do cường độ gió lớn, ngập lụt sâu…; di dời những khu vực bị ảnh hưởng, nhà yếu, chuẩn bị các địa điểm di dời cụ thể; đảm bảo ứng phó hiệu quả nhất với siêu bão. Chủ động địa điểm tập kết các phương tiện, lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng triển khai khi có yêu cầu. Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm, tàn phá khốc liệt của siêu bão để tránh tư tưởng chủ quan. Phải hoàn tất công tác sơ tán di dời trước 48 giờ khi siêu bão đổ bộ. Về thực hiện Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh, huyện Trực Ninh cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt, bài bản, có kết quả cụ thể trong việc xử lý các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi, không để phát sinh vi phạm mới. Là địa phương có số lượng tàu, thuyền lớn nên huyện cần chủ động yêu cầu các chủ tàu, thuyền giữ liên lạc thường xuyên với địa phương và gia đình để kịp thời cập nhật diễn biến thời tiết, để chủ động tránh, trú bão bảo đảm an toàn. Thường xuyên kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng người dân lợi dụng mái đê, cơ đê để trồng rau màu, phải bảo vệ cỏ mái đê để giảm thiểu xói mòn đê. Xử lý tình trạng khai thác đất, tập kết đất làm gạch ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Thực hiện nghiêm túc lộ trình chuyển lò gạch thủ công sang sản xuất gạch không nung để giảm thiểu tình trạng sử dụng đất ảnh hưởng đến đê điều. Xử lý nghiêm túc các doanh nghiệp xây dựng công trình không theo quy hoạch, không được cấp thẩm quyền cho phép làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ ở các tuyến sông. Khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra, tổ chức đối thoại công khai kết quả kiểm tra dự án di dời dân cư vùng bối Phương Định, tổ chức di dời dân đảm bảo hiệu quả của dự án. Về kiến nghị cải tạo, nâng cấp các công trình đê điều của huyện, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Trực Ninh cần chủ động các phương án bảo vệ trọng điểm và toàn tuyến đê theo phương châm “4 tại chỗ”; giao Sở NN và PTNT tham mưu cho tỉnh đề nghị với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ hỗ trợ và có kế hoạch triển khai cụ thể./.
Ngọc Ánh