Thay đổi chuẩn nghèo để tạo đột phá trong chính sách giảm nghèo

08:07, 22/07/2014

Thay vì chỉ xét theo thu nhập như trước đây, một chuẩn nghèo mới đang được xây dựng theo hướng xem xét cả sự thiếu hụt đa chiều về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin… Việc thay đổi chuẩn nghèo này sẽ tạo nên những đột phá trong các chính sách giảm nghèo về sau. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Triển khai xây dựng đề án nghèo đa chiều” do Bộ LĐ-TB và XH tổ chức ngày 21-7.

Việc tiếp cận đo lường nghèo đa chiều nhằm mục đích đánh giá một cách toàn diện hơn kết quả giảm nghèo của cả nước và làm cơ sở để ban hành các chính sách giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB và XH) cho biết, đo lường nghèo đa chiều là phương pháp bổ sung xem xét mức độ thiếu hụt các nhu cầu cơ bản của con người về giáo dục, y tế, điều kiện sống, việc làm… bên cạnh việc đo lường nghèo bằng thu nhập.

Ông Ngô Trường Thi cũng nhấn mạnh, việc xác định các chiều thiếu hụt và chỉ số đo lường thiếu hụt được tiến hành dựa trên cơ sở quyền được bảo đảm về an sinh xã hội và các nhu cầu tối thiểu. Việc lựa chọn đúng các chiều và chỉ số sẽ hết sức quan trọng trong việc giám sát sự thay đổi về mức độ tiếp cận các nhu cầu cơ bản qua từng năm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận xung quanh việc xây dựng chuẩn nghèo đa chiều sẽ dựa trên các tiêu chí nào. Đa số các đại biểu đều đồng tình với phương án xây dựng chuẩn nghèo đa chiều dựa trên hai yếu tố là thu nhập và các nhu cầu xã hội cơ bản như: Giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, thông tin…

Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài cũng lưu ý, trong việc lựa chọn chiều thiếu hụt của chuẩn nghèo đa chiều cần tính đến việc Việt Nam có đủ dữ liệu để tính toán, xây dựng chi tiết những tiêu chí đó hay không.

Ông Ngô Trường Thi cũng thừa nhận, hiện nay việc xác định các chiều, chỉ số đều thông qua số liệu điều tra mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê thực hiện. Để có thêm thông tin và dữ liệu để lựa chọn tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều cần phải phân tích những yếu tố làm tăng, giảm tỷ lệ thiếu hụt theo các chiều và bổ sung thêm các chỉ tiêu điều tra của Tổng cục Thống kê.
Chuẩn nghèo dựa vào thu nhập xuất phát từ quan niệm mỗi người cần phải có một khoản thu nhập ở mức độ tối thiểu để thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu. Chuẩn nghèo dựa vào thu nhập được nhiều quốc gia sử dụng nhằm làm xác định đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp của nhà nước, trong đó có Việt Nam.

Từ năm 1993 đến nay, việc sử dụng chuẩn nghèo dựa vào thu nhập trong một thời gian dài đã không còn phù hợp, bộc lộ nhiều hạn chế như bỏ sót đối tượng, độ bao phủ chưa cao, thiếu công bằng trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, chưa đánh giá, đo lường mức độ chuyển biến về tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân... Điều này đòi hỏi cần có sự thay đổi trong việc xác định chuẩn nghèo./.

Theo: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com