Đoàn công tác của Uỷ ban nhân dân tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão của huyện Xuân Trường

09:07, 23/07/2014

Ngày 22-7-2014, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão (PCLB), phương án ứng phó với siêu bão và tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh tại huyện Xuân Trường. Tham gia đoàn có lãnh đạo các sở, ngành: NN và PTNT, TT và TT, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Thực hiện công tác PCLB-TKCN, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn của huyện Xuân Trường đã xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các nhiệm vụ PCLB-TKCN, phương án ứng phó với siêu bão. Các xã, thị trấn đã thành lập Ban chỉ huy PCLB-TKCN, phân công các thành viên phụ trách từng nhiệm vụ và địa bàn cụ thể; tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi, đê điều; xây dựng kế hoạch làm thủy lợi nội đồng và huy động vật tư, phương tiện, nhân lực phục vụ công tác PCLB-TKCN; khảo sát, điều tra, đánh giá chất lượng công trình công cộng, nhà ở dân cư… Tổ chức thống kê các hộ dân vùng bãi và các hộ dân đang ở nhà tạm, dột nát, cấp 4 để xây dựng phương án di dân, ứng phó với siêu bão. Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo dõi diễn biến của các hiện tượng thiên tai, tổng hợp tình hình triển khai của các ngành, địa phương; tham mưu kịp thời cho Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả. Các công trình thủy lợi, đê điều cơ bản đáp ứng yêu cầu PCLB-TKCN. Tuy nhiên trên địa bàn huyện hiện vẫn còn một số công trình đê điều cần quan tâm trong mùa lũ, bão như: tuyến đê hữu sông Sò; tuyến đê tả sông Ninh Cơ đoạn thuộc địa phận xã Xuân Ninh; các cống Ngô Đồng, Kẹo, Tàu… Huyện đã xây dựng phương án ứng phó với bão và siêu bão, trong đó tập trung vào phương án hộ đê toàn tuyến, bảo vệ trọng điểm; sơ tán, di dời dân; xây dựng kết cấu hạ tầng, chằng chống nhà cửa. Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều. Qua kiểm tra, rà soát kết quả sơ bộ, trên địa bàn huyện có 14 trường hợp làm nhà kiên cố, 2 trường hợp làm nhà cấp 4, 14 trường hợp dựng lều quán, 8 trường hợp làm bãi vật liệu và 11 trường hợp vi phạm khác trong hành lang bảo vệ đê điều, thuỷ lợi. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về PCLB-TKCN, chế độ trực ban trong mùa bão, lũ. Hoàn thành việc kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng công trình công cộng, nhà ở dân cư; hoàn thành phương án di dân của từng thôn, xóm, các xã, thị trấn. Hoàn thành việc kiểm tra, rà soát, phân loại vi phạm công trình thủy lợi, đê điều trong tháng 7-2014 và tổ chức công khai các vi phạm. Thực hiện việc xử lý, giải tỏa các vi phạm công trình thủy lợi, đê điều. Thường xuyên tổ chức giải tỏa, khơi thông dòng chảy trên hệ thống các sông, kênh, mương. Tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình thủy lợi, đê điều; phối hợp với các chủ đầu tư, BQL dự án, nhà thầu thi công trong quá trình thực hiện dự án về thủy lợi, đê điều. Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác PCLB-TKCN; công tác quản lý Nhà nước về đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, PCLB.

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương huyện Xuân Trường đã triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ PCLB-TKCN, xây dựng phương án ứng phó với siêu bão và thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND của UBND tỉnh. Đồng thời chỉ ra một số tồn tại như việc triển khai Chỉ thị 14 còn chậm, báo cáo việc PCLB và xây dựng phương án ứng phó với siêu bão chưa sâu. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Xuân Trường, trước diễn biến bất thường của thời tiết, tránh tư tưởng chủ quan trong chỉ đạo, điều hành công tác PCLB-TKCN, chủ động trong mọi tình huống, thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, đưa công tác PCLB-TKCN đi vào nề nếp. Phương án ứng phó với siêu bão cần phải xác định được khu vực cần di dời như: khu vực ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao… do ảnh hưởng của siêu bão. Khu vực không phải di dời toàn bộ, khu vực nguy hiểm cũng cần phải xác định cụ thể. Địa điểm di dời phải đảm bảo an toàn, phải được thông báo tới từng khu dân cư và thực hiện một cách có tổ chức. Việc di dời phải hoàn thành trước 48 giờ khi siêu bão xảy ra. Trong thực hiện Chỉ thị 14, đồng chí đề nghị huyện hoàn thành việc thống kê, phân loại, lập kế hoạch cụ thể đến từng xã, thị trấn. Khẩn trương tổ chức xử lý vi phạm công trình đê điều, bảo vệ công trình thủy lợi. Tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo về công tác PCLB, phương án ứng phó với siêu bão và tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 14. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác PCLB-TKCN. Xây dựng cơ chế giám sát trong công tác PCLB-TKCN./.

Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com