Thường trực HĐND tỉnh giám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực, Nghĩa Hưng

08:06, 23/06/2014

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII (nhiệm kỳ 2011-2016), trong 2 ngày 19 và 20-6-2014, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014 tại các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực, Nghĩa Hưng. Dự các buổi giám sát có đồng chí Trần Lương Bằng, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh.

Tại các buổi giám sát, Đoàn đã nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2014. Tại huyện Mỹ Lộc, nội dung giám sát tập trung vào một số lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, thu chi ngân sách, công tác quản lý Nhà nước về di tích văn hóa, quản lý lễ hội, việc bố trí sắp xếp và sử dụng công chức, viên chức tại địa phương… Vụ xuân, huyện Mỹ Lộc đã gieo cấy trên 3.513ha lúa, năng suất ước đạt 54,43 tạ/ha, sản lượng ước đạt 19.126,7 tấn. Chương trình xây dựng NTM, có 4 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đạt từ 9 đến 12 tiêu chí, các xã còn lại cơ bản đạt 5 đến 7 tiêu chí. Tổng thu ngân sách đạt 19 tỷ 410 triệu đồng, bằng 55% so với dự toán tỉnh giao. Công tác quản lý di tích và lễ hội đảm bảo đúng các quy định và phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Tình hình an ninh, chính trị, TTATXH được giữ vững. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn những tồn tại như: Tiến độ xây dựng NTM ở 4 xã làm điểm giai đoạn (2010-2015) còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Tình trạng nợ đọng thuế của một số doanh nghiệp kéo dài. Việc phân cấp quản lý các di tích lịch sử - văn hóa chưa cụ thể dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất ANTT ở một số điểm di tích. Chưa có sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng trong việc thực hiện chính sách xã hội cho các đối tượng; kinh phí chi đối với công tác quản lý đối tượng bảo trợ xã hội còn hạn hẹp. Nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, huyện tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, vụ đông, phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa. Tiếp tục phát động phong trào thi đua xây dựng NTM, trong đó tập trung phát huy nguồn lực trong nhân dân; chủ động phương án PCLB-TKCN và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển sản xuất công nghiệp, môi trường sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở sản xuất, làng nghề, các hộ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Triển khai kế hoạch tuyển sinh và chuẩn bị khai giảng năm học mới…

Huyện Vụ Bản gieo trồng 8.369ha lúa xuân, năng suất bình quân ước đạt 60 tạ/ha. Chương trình xây dựng NTM đạt được kết quả tích cực. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM của các xã, thị trấn đạt 533 tỷ 556 triệu đồng. Đến nay, tại 6 xã, thị trấn làm điểm đạt từ 13 đến 18 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 9 đến 12 tiêu chí. Sản xuất CN-TTCN có bước phát triển khá, tổng giá trị sản xuất toàn ngành là 158,7 tỷ đồng, đạt 50,1% kế hoạch năm, tăng 22% so cùng kỳ. Tổng thu NSNN đạt 232 tỷ 389 triệu đồng, đạt 64,6% dự toán tỉnh giao. Tổ chức tốt chợ Viềng xuân và Lễ hội Phủ Dầy; phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học Việt Nam lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tình hình an ninh, chính trị ổn định, TTATXH được giữ vững. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại như: Việc xây dựng NTM ở một số xã còn chậm; công tác quản lý và sử dụng đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp tại một số địa phương chưa nghiêm, xử lý vi phạm đất đai còn chậm và thiếu quyết liệt. Tiến độ GPMB và thi công một số dự án trên địa bàn chậm so với kế hoạch. Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng về lĩnh vực đất đai tại một số xã, thị trấn chưa được giải quyết dứt điểm. Những tháng cuối năm, huyện tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất, chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn trên đàn gia súc, gia cầm. Tập trung giải quyết những vướng mắc về đất đai liên quan đến GPMB các dự án đang triển khai. Đẩy mạnh thu NSNN. Hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

6 tháng đầu năm 2014, huyện Nam Trực đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tập trung sản xuất, kinh doanh, tổ chức thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt 11%. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp được duy trì, năng suất lúa xuân ước đạt 70,15 tạ/ha; sản lượng lương thực ước đạt 60.204 tấn, bằng 57% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn ước đạt 1.950 tỷ đồng, tăng 22,7% so cùng kỳ năm 2013, bằng 46,4% kế hoạch năm. Tổng thu NSNN ước đạt trên 46 tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán tỉnh giao. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, TDTT có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; QP-AN và TTATXH được giữ vững. Công tác cải cách hành chính có bước chuyển biến. 6 tháng cuối năm, huyện Nam Trực tập trung sản xuất vụ mùa, vụ đông 2014 đảm bảo thời vụ, cơ cấu giống hợp lý với diện tích lúa mùa 9.300ha, cây màu 327ha, cây vụ đông 1.300-1.400ha; phấn đấu giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 100 triệu đồng/ha canh tác. Hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp đường Vàng; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án: kiên cố hóa trường học, trụ sở làm việc các xã, công trình nước sạch… đảm bảo chất lượng, tiến độ; phấn đấu hoàn thành DĐĐT tại các đơn vị còn lại; tập trung hoàn thiện hồ sơ địa chính để cấp đổi giấy chứng nhận quyền SDĐ đối với các xã, thị trấn; tổ chức thực hiện đề án thu gom, xử lý rác thải; tập trung chỉ đạo thu NSNN 6 tháng cuối năm; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán cả năm 2014; tiếp tục giữ vững QP-AN, TTATXH; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.

Huyện Nghĩa Hưng đã gieo cấy 10.696ha lúa xuân, năng suất ước đạt 75 tạ/ha, sản lượng lương thực ước đạt 80.220 tấn; sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 13.800 tấn, bằng 51,1% kế hoạch. Huyện tiếp tục đôn đốc tiến độ thi công các công trình đê, kè trọng điểm trước mùa mưa bão. Sơ kết 3 năm xây dựng NTM, huyện có 3/8 xã điểm đạt tiêu chuẩn xã NTM. Sản xuất CN-TTCN ước đạt 597,2 tỷ đồng, đạt 51,3% kế hoạch, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại, dịch vụ ổn định, ước doanh thu 6 tháng 197,5 tỷ đồng, đạt 52,8% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 359,09 tỷ đồng, bằng 54% dự toán. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo QP-AN. 6 tháng cuối năm 2014, huyện Nghĩa Hưng tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa xuân, triển khai sản xuất vụ mùa, vụ đông; phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa mùa xong trước ngày 20-7-2014; tăng cường kiểm tra công tác PCLB, chỉ đạo các xã xây dựng NTM giai đoạn 1 phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn trong năm 2014; chỉ đạo các xã, thị trấn còn lại hoàn thành lập đề án xây dựng NTM; chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý Nhà nước về đất đai; hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường. Tiếp tục chỉ đạo công tác GPMB, hỗ trợ công tác GPMB các dự án mới; hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ. Tập trung đôn đốc, kiểm tra chất lượng, tiến độ thi công các công trình trên địa bàn; thu hút đầu tư vào các điểm công nghiệp. Tích cực khai thác các nguồn thu và xử lý các nguồn thu tồn đọng. Chỉ đạo lập Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030 theo định hướng quy hoạch chung của tỉnh.

Tại các buổi giám sát, đại diện các địa phương đề nghị HĐND, UBND tỉnh giúp địa phương tháo gỡ một số khó khăn. Huyện Mỹ Lộc đề nghị tỉnh kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nợ đọng tiền thuê đất kéo dài và sản xuất không hiệu quả; thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của một số cơ sở sản xuất gạch nung tại xã Mỹ Trung làm ảnh hưởng tới môi trường và an toàn đê điều. Hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa trụ sở làm việc Huyện ủy, UBND huyện và mua sắm trang thiết bị làm việc cho các cơ quan trong huyện. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Văn hóa Trần; có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về quy định, phân cấp quản lý, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội và cho phép thành lập Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa huyện Mỹ Lộc. Đề nghị cho đăng ký tuyển dụng 11 công chức theo đúng chỉ tiêu được giao để đáp ứng yêu cầu công việc. Huyện Vụ Bản kiến nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện về nguồn nước tưới kịp thời phục vụ việc chăm sóc cây vụ đông; có cơ chế hỗ trợ đầu ra cho một số sản phẩm cây trồng vụ đông. Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình đê, kè phục vụ công tác PCLB trên địa bàn huyện. Hỗ trợ kinh phí tổ chức đo đạc và hoàn tất hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận đất nông nghiệp khu vực ngoài đồng sau DĐĐT cho các xã, thị trấn. Xử lý nghiêm các xe quá khổ, quá tải vi phạm ATGT khi tham gia trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Đầu tư nâng cấp các tuyến đường đã bị xuống cấp. Điều chỉnh mức thu lệ phí trông giữ ô tô, xe máy ban hành từ năm 2007, hiện không còn phù hợp. Chỉ đạo các ngành chức năng sớm lập hồ sơ đề nghị công nhận quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy là di tích quốc gia đặc biệt.

Đoàn giám sát đề nghị các địa phương làm rõ một số vấn đề trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như những chủ trương, định hướng chính của huyện Mỹ Lộc trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Nguyên nhân hạn chế của việc chậm tiến độ xây dựng NTM. Bất cập trong việc phân cấp quản lý di tích và mô hình quản lý di tích phù hợp trên địa bàn huyện. Khó khăn trong việc cấp kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa; thực hiện chuyển xếp lương đối với giáo viên mầm non, thực hiện chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ nhà ở cho người có công. Ảnh hưởng của phát triển Thành phố Nam Định đối với huyện Mỹ Lộc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đối với huyện Vụ Bản cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến chương trình xây dựng NTM như: nợ công của các xã, thị trấn; công tác tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh tới các xã, thị trấn làm điểm xây dựng NTM và việc huy động vốn từ các doanh nghiệp trong xây dựng NTM. Thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tại huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các huyện làm rõ một số vấn đề như tình hình thực hiện chính sách người có công trên địa bàn; Tiến độ xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Trực; Những thuận lợi, khó khăn trong việc phối hợp giữa huyện đối với ngành chức năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc thu phí bảo trì đường bộ trên địa bàn huyện; Công tác quản lý các di tích lịch sử trên địa bàn; Công tác tập huấn, hướng dẫn việc quản lý, tổ chức các lễ hội; Tiến độ trùng tu các di tích; hiệu quả, tính cấp thiết của các thiết chế văn hóa cơ sở trong xây dựng NTM; Hoạt động của Ban chỉ đạo trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; Chế độ chính sách đối với các giáo viên mầm non theo Quyết định 60 của UBND tỉnh; Việc chuẩn hóa cán bộ, công chức xã theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh; Tình hình tuyển dụng, bố trí công chức xã; Vấn đề dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các địa phương, HĐND, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu và có biện pháp giải quyết phù hợp./.

Văn Trọng Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com