Ngày 30-5-2014, tại xã Bạch Long (Giao Thủy), HND tỉnh, Sở TN và MT phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5-6), Ngày Đại dương Thế giới (8-6), Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2014. Tham gia buổi mít tinh có trên 200 cán bộ, hội viên nông dân của 4 xã ven biển huyện Giao Thủy; cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quất Lâm và các em học sinh Trường THCS xã Bạch Long.
Cán bộ, hội viên nông dân các xã ven biển huyện Giao Thủy và các em học sinh tham gia mít tinh. |
Ngày Môi trường Thế giới năm nay có chủ đề “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc BVMT, ứng phó BĐKH đối với các khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển. Chủ đề của Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam được Bộ TN và MT lựa chọn là “Chung tay bảo vệ đại dương xanh” và chủ đề của Ngày Đại dương thế giới do Mạng lưới đại dương toàn cầu phát động là “Cùng chung tay - Chúng ta có sức mạnh bảo vệ đại dương” với ý nghĩa: “Mỗi người góp một phần công sức nhỏ - Chúng ta sẽ có sức mạnh to lớn để bảo vệ đại dương”. Các chủ đề này đều hướng đến công tác BVMT, ứng phó với BĐKH. Với chiều dài 72km bờ biển thuộc 18 xã, thị trấn của 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, tỉnh ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và dịch vụ du lịch. Nguồn lợi từ biển trong những năm qua đã góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên do tình trạng BĐKH đang diễn ra nhanh hơn dự kiến nên những hiểm họa từ biển càng ngày càng khắc nghiệt. Hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng rõ nét, nồng độ mặn tại cống Hạ Miêu (cách cửa Ba Lạt 26km), Cống Múc (cách cửa Lạch Giang 37km), cống Bình Hải (cách cửa Đáy 18km)… đạt mức trên 1%o. Nhiều địa phương ven biển đã không thể lấy nước sinh hoạt và sản xuất từ sông Hồng, sông Đáy…
Để hạn chế những ảnh hưởng của BĐKH, mỗi người dân, đặc biệt là cán bộ, hội viên nông dân các địa phương ven biển cần chung tay BVMT, làm sạch bãi biển, ngăn chặn nước biển dâng bằng, những hành động thiết thực như: Khai thác, đánh bắt thủy, hải sản hợp lý, không dùng lưới mắt nhỏ, xung điện, chất nổ… để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chú trọng xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định; tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt đúng quy định, không xả rác bừa bãi ra môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, trồng cây xanh, nhất là những bãi bồi ven đê, bảo tồn đa dạng sinh học, không săn bắt, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, chim di cư. Bên cạnh đó, các cấp HND, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo, luôn cảnh giác và sẵn sàng đấu tranh ngăn chặn mọi hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
Thanh Tuấn