Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII, trong các ngày 11 và 16-6-2014, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh do đồng chí Trần Văn Chung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát hoạt động VH, TT và DL 6 tháng đầu năm 2014 tại Sở VH, TT và DL và Bảo tàng tỉnh.
6 tháng đầu năm 2014, ngành VH, TT và DL đã tập trung tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Ngọ và các ngày lễ lớn của đất nước, tuyên truyền cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh có hiệu quả, thông qua nhiều hình thức như: cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động, triển lãm…, đáp ứng nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân. Phong trào văn nghệ quần chúng được tổ chức đều khắp, thu hút nhiều đối tượng tham gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh gắn với mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Xây dựng và hoàn thành hồ sơ “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” đề nghị UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch được chú trọng. Đặc biệt Sở VH, TT và DL đã tích cực triển khai tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII vào cuối năm 2014. Tuy nhiên hoạt động VH, TT và DL trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại như: Công tác phối hợp tuyên truyền ở một số địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên, chưa đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, TDTT và du lịch còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, nhất là các lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và thể thao thành tích cao. 6 tháng cuối năm, ngành VH, TT và DL tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Chuẩn bị và tổ chức thành công các hoạt động VHVN, hoạt động thể thao và du lịch chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và các sự kiện chính trị trong tỉnh. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các đợt thanh, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đề nghị UNESCO công nhận “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đẩy mạnh công tác chuẩn bị và phối hợp tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII; cử các đoàn vận động viên tham gia thi đấu tại đại hội đạt kết quả cao; tổ chức tốt các giải thi đấu diễn ra tại tỉnh.
Tại Bảo tàng tỉnh 6 tháng đầu năm đã thực hiện tốt công tác nghiên cứu, trưng bày, phát huy giá trị di sản văn hóa; bảo quản hiện vật và nghiên cứu khoa học. Bảo tàng tỉnh đã đón 8.790 lượt khách tham quan; tổ chức cho gần 6.000 học sinh tại 16 cơ sở giáo dục tham gia các hoạt động tại Bảo tàng tỉnh và các di sản tiêu biểu của tỉnh. Thực hiện phục chế, phục dựng 20 hiện vật và sưu tầm 100 tài liệu, hiện vật về tín ngưỡng thờ Mẫu; 40 tài liệu, hiện vật về các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Phối hợp với UBND thành phố phục dựng “Nghi lễ rước nước, tế cá”; tham gia cùng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức điều tra, khảo sát xây dựng hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” để trình UNESCO xét vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng chuyên gia Nhật Bản khảo sát, nghiên cứu làng cổ Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản). Trong 6 tháng cuối năm 2014, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị”, tổ chức Triển lãm Mỹ thuật khu vực II đồng bằng sông Hồng tại Nam Định. Biên soạn và xuất bản một số ấn phẩm tuyên truyền về di sản văn hóa và hướng dẫn tham quan bảo tàng, di tích Lịch sử - Văn hóa Cột cờ Nam Định. Tham gia giai đoạn II thuộc Đề án xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trình UNESCO xét vinh danh vào năm 2015... Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, Bảo tàng tỉnh đề nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét hoạt động đặc thù của Bảo tàng tỉnh để tăng ngân sách hằng năm chi cho công tác khảo cổ học, mua và bảo quản hiện vật… theo chương trình mục tiêu về khảo cổ học. Bổ sung biên chế chuyên môn, nhất là đội ngũ bảo vệ để tăng cường trách nhiệm trong công tác.
Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị Sở VH, TT và DL và Bảo tàng tỉnh làm rõ một số nội dung như: Cơ cấu tổ chức hoạt động của ngành VH, TT và DL; mô hình quản lý Nhà nước về di tích và hoạt động lễ hội tại một số địa phương và vai trò của ngành trong việc phục hồi các lễ hội dân gian. Quy trình phát hiện, giám định, công nhận hiện vật; thực trạng hoạt động của hệ thống Bảo tàng trong tỉnh và công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng hiện nay; vai trò của Bảo tàng tỉnh trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống của tỉnh tới cán bộ, nhân dân và thế hệ trẻ; công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để bảo vệ hiện vật. Đồng thời, đề nghị Sở VH, TT và DL tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu nhằm quản lý hiệu quả hoạt động lễ hội trong tỉnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn bị Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII được tổ chức vào tháng 12-2014 tại Nam Định. Bảo tàng tỉnh tiếp tục đa dạng hình thức tuyên truyền nhằm giới thiệu truyền thống lịch sử tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tăng cường sưu tầm hiện vật và làm tốt công tác tham mưu với ngành VH, TT và DL phát huy hoạt động của các bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm tại các địa phương trong tỉnh./.
Trần Văn Trọng