Ngày 22-4-2014, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: KH và ĐT, NN và PTNT, TN và MT, Công thương, GTVT, Xây dựng, KH và CN; lãnh đạo các huyện, thành phố và Cty Điện lực Nam Định.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh ổn định từ 2,5-3,2%/năm. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa; chăn nuôi chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, tăng chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp. Khai thác thủy sản được duy trì, sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản phát triển sôi động, nhất là ở các huyện ven biển. Sản xuất muối từng bước đổi mới công nghệ nên chất lượng muối được nâng cao. Sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển khá, ngành nghề nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập và đóng góp quan trọng vào chương trình xây dựng NTM; cùng với duy trì và phát triển nghề truyền thống, tỉnh đã tích cực triển khai công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp dần được đổi mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất, xây dựng NTM và phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất hàng hóa chưa rõ nét; tốc độ tăng trưởng đang chậm dần; hàm lượng KHCN, năng suất lao động xã hội, hiệu quả còn thấp và chưa thực sự bền vững. Vì vậy việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hết sức cần thiết. Theo dự thảo của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung vào 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là: Rà soát, bổ sung các quy hoạch ngành cho phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng KHCN và cơ giới hóa; đổi mới công tác quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp; tổ chức tốt đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và chế biến lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thị trường; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa; xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã phát biểu góp ý, bổ sung nội dung của Đề án.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương Sở NN và PTNT và các ngành đã tập trung cao, có quyết tâm, đồng thời đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố sớm hoàn thành dự thảo Đề án để trình UBND tỉnh. Đồng chí khẳng định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là lĩnh vực khó, mang tính lâu dài và yêu cầu các ngành, các địa phương tránh tư tưởng nóng vội tiếp tục căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực tham gia hoàn thiện Đề án; huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng chí yêu cầu Sở NN và PTNT quán triệt quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp nằm trong tổng thể xây dựng NTM, là một nhiệm vụ của xây dựng NTM để nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho nông dân; từ nguồn vốn, bước đi, phương thức triển khai phải được tiến hành đồng thời với xây dựng NTM. Yêu cầu Sở NN và PTNT tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Đề án, chú ý phản ánh đầy đủ thực trạng về thuận lợi, khó khăn cần khắc phục của sản xuất nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xác định cụ thể sản phẩm chủ yếu, sản lượng, địa điểm sản xuất, thị trường tiêu thụ về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên cơ sở đó để có bước đi, cách làm phù hợp, thúc đẩy các sản phẩm chủ yếu thành sản phẩm hàng hóa. Về cơ chế, chính sách, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế đã có; tập trung cao cho các cơ chế, chính sách sản xuất giống cho sản phẩm chủ yếu trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Thu hút doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân./.
Tin, ảnh: Ngọc Ánh