Ngày 25-4-2014, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố và đại diện Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Kiến trúc sư, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng tỉnh.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 2-12-2013. Quy hoạch có quan điểm phát triển phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực đảm bảo vai trò đóng góp vào tăng trưởng đối với tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng cũng như cả vùng đồng bằng sông Hồng. Huy động cao nhất các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng tăng trưởng, ưu tiên phát triển và xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo nguồn thu cho ngân sách. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo nhanh, tạo việc làm, từng bước giảm dần chênh lệch mức sống giữa các khu vực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ xây dựng nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là CNH-HĐH nông nghiệp và xây dựng NTM. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, hệ thống đô thị tương đối phát triển, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng phát triển, từng bước cải thiện mức sống người dân, môi trường được bảo vệ bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, xây dựng Thành phố Nam Định thành Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2020, Nam Định có mức phát triển trung bình khá và đến năm 2030 đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện theo quy hoạch, có 35 dự án ưu tiên đầu tư; trong đó có 7 dự án do Trung ương đầu tư, 17 dự án do tỉnh đầu tư và 11 dự án kêu gọi đầu tư; các giải pháp thực hiện quy hoạch và các biện pháp tổ chức, giám sát thực hiện quy hoạch. Chính phủ giao cho UBND tỉnh căn cứ Quy hoạch đã được phê duyệt, chỉ đạo việc lập, duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, thành phố; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trong tỉnh phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn gắn với các dự án cụ thể để có kế hoạch bố trí vốn đầu tư phù hợp. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và luật pháp Nhà nước trong từng thời kỳ nhằm thu hút, huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch (Báo Nam Định đăng toàn văn Quyết định phê duyệt Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ từ số báo này).
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là sản phẩm trí tuệ của các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, có tính khả thi. Để triển khai thực hiện theo Quy hoạch, cần có sự quyết tâm cao của các cấp, ngành; có sự chỉ đạo quyết liệt trên các lĩnh vực và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đồng chí lãnh đạo các huyện, thành phố phải chỉ đạo rà soát các quy hoạch đã có của địa phương mình để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, làm cơ sở để xây dựng văn kiện đại hội Đảng bộ trong thời gian tới. Khi xây dựng mục tiêu phát triển yêu cầu phải cao hơn mục tiêu đề ra trong Quy hoạch của tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trong Quy hoạch. Đối với các sở, ngành cần rà soát quy hoạch ngành, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch tổng thể của tỉnh. Đối với các ban, ngành và đoàn thể cần xây dựng chương trình công tác và có đề án phù hợp góp phần thực hiện tốt Quy hoạch. Đề nghị các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cần tăng cường giám sát việc thực hiện Quy hoạch. Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp căn cứ vào Quy hoạch để xây dựng định hướng sản phẩm chủ yếu phù hợp góp phần thực hiện Quy hoạch. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến công khai Quy hoạch để mọi người dân biết, ủng hộ thực hiện./.
Quang Lộc