Ngày 3-4-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2015.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm từng bước hạn chế tình trạng trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn, thương tích gây ra, nhất là trẻ em bị đuối nước. Tập trung đảm bảo an toàn cho trẻ em ở những nơi thường xảy ra tai nạn, thương tích như tại gia đình, trường học và nơi công cộng. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành liên quan phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, tập trung cao điểm vào Tháng hành động vì trẻ em. Giao Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch và lồng ghép với thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, CTV, cha mẹ, trẻ em về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích; các phương pháp sơ cứu thông thường khi xảy ra tai nạn, thương tích ở trẻ em; đưa nội dung này vào hoạt động ngoại khoá của các trường tiểu học và THCS. Hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng các mô hình: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, cải tạo môi trường sống theo hướng an toàn cho trẻ em. Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, tổ chức dạy bơi cho trẻ em trong trường học và tại cộng đồng trong dịp hè; hướng dẫn trẻ em sử dụng áo phao, phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi trong môi trường nước; xây dựng hệ thống thu thập thông tin, giám sát, đánh giá hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong tỉnh. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường năng lực cấp cứu, điều trị trẻ em bị tai nạn, thương tích; kiểm tra việc thực hiện VSATTP trong các trường học, các cơ sở dịch vụ kinh doanh gần trường học. Sở GD và ĐT đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học “Xanh - sạch - đẹp - an toàn” trong các trường tiểu học, THCS; phối hợp với các ngành thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, PCCN, VSATTP tại các trường học. Công an tỉnh phối hợp với Sở GTVT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATGT, nhất là các bến đò ngang dân sinh có trẻ em tham gia đi lại. MTTQ tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phối hợp với các ngành liên quan huy động nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tỉnh Đoàn phối hợp với ngành GD và ĐT, các địa phương chỉ đạo việc quản lý học sinh trong dịp hè, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ em; hướng dẫn cách phòng, chống tai nạn, thương tích gắn với việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em… Các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 giảm tỉ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích, bị tử vong do tai nạn, thương tích từ 10-15% trẻ em/năm; 70% số hộ gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em, 100% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn được tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; 30% trẻ em lứa tuổi tiểu học, 40% trẻ em lứa tuổi THCS biết bơi và có khả năng tự cứu đuối; ít nhất 70% trẻ em sử dụng áo phao hoặc cặp phao khi tham gia giao thông đường thủy./.
Minh Tân