Sáng 15-4, tại Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo khoa học “Thế trận lòng dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Tham dự hội thảo có hơn 50 cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học.
Đề dẫn hội thảo nêu rõ, 60 năm qua, ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, không ít chính khách, các nhà chính trị, quân sự và các nhà khoa học đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tìm lời giải đáp cho một ẩn số: Tại sao thực dân Pháp hùng mạnh lại “thua đau” trên chiến trường Điện Biên Phủ? Tại sao một dân tộc đất không rộng, người không đông; kinh tế, khoa học, kỹ thuật chưa phát triển; vũ khí, trang bị quân sự phần lớn là thô sơ; người lính “đầu trần, chân đất” mà đã đánh gục một đội quân tinh nhuệ nhà nghề, có vũ khí tối tân hiện đại, được đế quốc Mỹ hỗ trợ, giúp sức? Một trong những câu trả lời thú vị, hấp dẫn về nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được các nhà khoa học Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng khẳng định là: Việt Nam đã xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc; đã chiến thắng thực dân xâm lược bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, đã dựng nên tượng đài quyết chiến, quyết thắng với ý chí quyết tâm cao độ “Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Các đại biểu đọc tham luận tại hội thảo |
Tại cuộc hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm rõ bản chất, vai trò, nội dung và giá trị lý luận, thực tiễn của việc xây dựng thế trận lòng dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách là “một công trình vĩ đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta trong cuộc đối đầu lịch sử, chống lại thực dân Pháp - một trong những đội quân xâm lược nhà nghề hùng mạnh nhất thế kỷ XX”. Phần lớn các nhà khoa học đều nhất trí, có quan điểm chung thống nhất về thế trận và xây dựng “thế trận lòng dân”, khẳng định xây dựng thế trận là việc tổ chức, bố trí, triển khai các lực lượng vật chất - tinh thần, gồm con người và các phương tiện, vũ khí, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện bảo đảm cho chiến trường nhằm tạo ra thế có lợi và phát huy cao nhất sức mạnh chiến đấu của các lực lượng tham chiến nhằm đạt được mục tiêu chính trị là giành thắng lợi.
Trong các lực lượng vật chất, tinh thần tạo nên thế trận thì nhân tố chính trị, tinh thần có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết, nhất trí, sự đồng thuận xã hội, ý thức quyết tâm chiến đấu là nội dung cốt lõi để xây dựng thế trận lòng dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và ngày nay, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng, có “thế trận lòng dân” vững chắc thì chiến thắng; không xây dựng “thế trận lòng dân” thì sẽ thất bại. Vì vậy, “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ không phải tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, gắn kết, quy tụ, khơi dậy và phát huy sức mạnh lòng dân của Đảng, Nhà nước và quân đội ta, của các cấp, các ngành và của toàn dân để tạo nên “thế trận” liên hoàn, vững chắc, cùng với nguồn sức mạnh khác, chúng ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. “Thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, xét ở góc độ nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân, là sự gắn kết và quy tụ sức mạnh của quân đội với nhân dân; là sự gắn kết và quy tụ sức mạnh của hậu phương và tiền tuyến; là biểu hiện của việc khơi dậy và phát huy sức mạnh của quân đội và nhân dân 54 dân tộc Việt Nam; là sự đoàn kết gắn bó keo sơn tình đoàn kết quốc tế cao đẹp giữa Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia; Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Liên Xô...
Theo qdnd.vn