UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán

10:01, 10/01/2014

Theo thông báo của Cục Thú y từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 rải rác xảy ra ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm trên gia cầm có 22,91% mẫu dương tính với cúm A; 7,44% mẫu dương tính với vi rút H5 và 5,68% mẫu dương tính với H5N1. Dịch bệnh cúm A/H7N9 ở Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp; tháng 12-2013 có 1 người chết vì cúm A/H10N8. Trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, các hoạt động buôn bán và vận chuyển gia súc, gia cầm (GSGC) gia tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan tại tỉnh ta là rất cao.

Để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh GSGC phát sinh, đảm bảo ATTP có nguồn gốc động vật, bảo vệ sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội, ngày 3-1-2014, UBND tỉnh có Công văn số 05/UBND-VP3 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh GSGC và đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung: Kiện toàn BCĐ phòng chống dịch bệnh GSGC cấp huyện, xã; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đến tận thôn, xóm, cần tập trung vào các địa phương có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao và kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại các cơ sở giết mổ GSGC, tại các chợ, điểm kinh doanh GSGC và sản phẩm GSGC tươi sống,… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức về vệ sinh ATTP, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh GSGC, các biện pháp phòng, chống dịch và cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người chăn nuôi chủ động, tự giác khai báo khi có dịch; không sử dụng tiết canh và sản phẩm GSGC mắc bệnh; không vứt xác GSGC chết bừa bãi ra môi trường; thực hiện các biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn khi tiếp xúc với GSGC; hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn. Chỉ đạo chính quyền xã, nhất là lực lượng trưởng thôn, xóm, mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, kiểm tra, rà soát nắm chắc tình hình chăn nuôi, tình hình dịch bệnh; vận động các tổ chức, đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, không che giấu dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó dập dịch ngay khi có dịch xảy ra, không để lây lan rộng. Khi có dịch phải lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm; tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực có dịch, đồng thời lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán GSGC và sản phẩm GSGC trên địa bàn, nhất là gia cầm nhập lậu. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn vật nuôi; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi, thực hiện sát trùng định kỳ theo quy định; chủ động mua vắc xin cúm gia cầm A/H5N1 chủng Re-6 do Trung Quốc sản xuất để tiêm phòng cho đàn gia cầm từ 14 ngày tuổi trở lên. Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC. Các sở, ngành thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh GSGC tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và đơn vị được phân công phụ trách thực hiện tốt nhiệm vụ và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh GSGC trong dịp Tết Nguyên đán./.

Quang Lộc
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com