Triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và động vật thủy sản năm 2014

08:01, 20/01/2014

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm (GSGC) và động vật thủy sản (ĐVTS) trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển ổn định, bền vững, cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng ATVSTP cho tiêu dùng, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, ngày 13-1-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh cho GSGC và ĐVTS năm 2014.

Theo đó, các cấp, ngành cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về phòng, chống dịch, các quy trình kỹ thuật về chăn nuôi, NTTS cho cán bộ thú y cơ sở và người chăn nuôi, NTTS. Trong công tác giám sát phát hiện, xử lý dịch, UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh GSGC và ĐVTS đến tận hộ chăn nuôi, thực hiện báo cáo ngay khi phát hiện dịch; quản lý chặt chẽ người hành nghề thú y trên địa bàn, tạo điều kiện và khuyến khích họ tích cực tham gia giám sát phát hiện dịch, tiêm phòng vắc xin… Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; chủ động lấy mẫu giám sát huyết thanh học, mẫu nước môi trường nuôi, mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm cảnh báo sớm; thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ quan chuyên môn các tỉnh lân cận để nắm bắt tình hình dịch bệnh; tham mưu đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Các cấp, ngành hướng dẫn người chăn nuôi, NTTS thường xuyên thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, khu vực buôn bán, giết mổ, chế biến GSGC; vệ sinh cải tạo ao đầm, xử lý tốt nguồn nước trong suốt quá trình nuôi, cải tạo hệ thống mương cấp, thoát nước đảm bảo phục vụ NTTS. Ban quản lý chợ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực buôn bán GSGC và sản phẩm GSGC sau mỗi buổi chợ. Hằng tháng, UBND xã tổ chức ngày tổng vệ sinh làm sạch môi trường, nhất là những nơi công cộng; quản lý, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, NTTS đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Phát động 2 đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, chợ, nơi tập trung buôn bán, giết mổ GSGC, sản phẩm GSGC, nơi có nguy cơ phát dịch cao trên phạm vi toàn tỉnh vào tháng 3, tháng 12 và đột xuất khi có dịch bệnh phát sinh. UBND xã, thị trấn giao trách nhiệm cho lực lượng an ninh phối hợp với lực lượng thú y cơ sở thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn; quản lý các hộ sản xuất, kinh doanh con giống (kể cả giống thủy sản), các hộ buôn bán, giết mổ GSGC, người kinh doanh thuốc thú y, người hành nghề thú y trên địa bàn; hộ chăn nuôi nhập giống GSGC, giống thủy sản từ bên ngoài vào địa bàn phải rõ nguồn gốc và xác nhận kiểm dịch của thú y. Các huyện, thành phố lập đội kiểm tra liên ngành thường xuyên tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn. Duy trì hoạt động 4 chốt kiểm dịch của tỉnh; Chi cục Thú y thành lập đội kiểm dịch lưu động tăng cường hoạt động ngăn chặn các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kiểm dịch động vật. Trong công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn GSGC, Chi cục Thú y có trách nhiệm cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, vật tư, dụng cụ, bảo hộ cá nhân đảm bảo số lượng và chất lượng cho các huyện, thành phố; yêu cầu tiêm phòng phải đạt 80% tổng đàn trở lên. Trong năm tổ chức 2 đợt tiêm chính vụ là vụ xuân (từ 25-2 đến 25-3) và vụ thu (15-8 đến 15-9); tổ chức tiêm phòng bổ sung hằng tháng cho số GSGC mới phát sinh. UBND các phường, xã, thị trấn thành lập các tổ chuyên trách để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch ngay khi phát hiện dịch bệnh phát sinh. Định kỳ và đột xuất, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh GSGC các cấp tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho GSGC và ĐVTS tại các địa phương. Kiên quyết không để tình trạng chủ quan, lơ là thiếu trách nhiệm của chính quyền và thú y cơ sở làm dịch bệnh phát sinh, lây lan. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2014; tổ chức thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc quản lý sử dụng vật tư, hóa chất, vắc xin, kết quả tiêm phòng, kinh phí phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tiến độ, kết quả tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Sở NN và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn thực hiện công tác tiêm phòng; kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở động vật và công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi của các địa phương, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh và Bộ NN và PTNT. Sở Y tế phối hợp với Sở NN và PTNT chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh xây dựng kế hoạch xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh từ động vật lây lan sang người; chỉ đạo thực hiện các hoạt động về phối hợp giữa ngành Y tế và Nông nghiệp trong phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí kịp thời hỗ trợ công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh ở GSGC, ĐVTS theo kế hoạch, dự toán được duyệt và khi có dịch xảy ra. Các cấp, các ngành phối hợp tổ chức vận động nhân dân tích cực thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch./.

Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com