Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

10:01, 10/01/2014

Sáng 8-1-2014, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội; Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương. Dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Tân Tiến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, các Ban của Tỉnh uỷ, Đảng ủy Khối và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, được thông qua ngày 28-11-2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Hiến pháp là văn kiện đặc biệt quan trọng, phản ánh ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới. Với bố cục 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp sửa đổi có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng lãnh đạo; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định rõ ràng, đúng đắn, đầy đủ và khái quát hơn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy Nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp. Việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Để việc triển khai thi hành Hiến pháp có hiệu quả, chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp phải nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, CCVC, công nhân, chiến sĩ LLVT nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài về Hiến pháp, việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp. Xác định trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương và địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Bảo đảm các quy định của Hiến pháp được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả và tiết kiệm. Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Nội dung công tác triển khai thi hành Hiến pháp bao gồm tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp và rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Trong đó việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp phải đảm bảo 5 nội dung gồm: tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp; tổ chức hội nghị toàn quốc tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên về Hiến pháp; tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp; tổ chức rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định mới của Hiến pháp để có kế hoạch biên soạn lại sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về Hiến pháp; phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp phục vụ công tác đối ngoại. Đối với việc rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp phải đảm bảo 3 yêu cầu cụ thể là: Rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản pháp luật do các cơ quan ở Trung ương và địa phương ban hành để phát hiện những quy định trái Hiến pháp phải bị dừng thi hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật để cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp; ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; lập danh mục, xác định lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Thời gian thực hiện trong năm 2014 và các năm tiếp theo.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong năm 2014 và các năm tiếp theo. Yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, chấn chỉnh những lệch lạc trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp và bảo đảm các quy định của Hiến pháp được thực hiện nghiêm túc, sớm đi vào cuộc sống. Báo cáo định kỳ kết quả triển khai Hiến pháp 6 tháng 1 lần về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của chính quyền, sự phối hợp tích cực của các cơ quan, các ngành, các cấp, các địa phương. Trong đó, đề cao vai trò của cơ quan báo chí trong công tác tư tưởng và tuyên truyền. Ngay sau hội nghị này, các đồng chí tham dự sẽ cùng với các cơ quan hữu quan phát huy vai trò người đứng đầu trước Đảng, trước nhân dân thực hiện tốt việc đưa Hiến pháp vào cuộc sống với tinh thần kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả và tiết kiệm./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com